Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Hồi ký TRẦN THƯ

Phần 10
  1. Lần đầu tiên tôi được biết ông Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính Trị, là năm 1953 khi tôi dự lớp chỉnh quân cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Trước khi chúng tôi bước vào kiểm thảo, ông Thanh đã đến động viên anh em chúng tôi. Là một người lính chiến đấu ở vùng sau lưng địch quen với những tình huống khẩn trương đòi hỏi những mệnh lệnh ngắn gọn và những lời động viên mộc mạc, lần đầu tiên nghe ông Thanh nói, tôi đã có một ấn tượng rất sâu sắc. Tôi nhớ đã đọc thấy ở đâu rằng để giành giật quần chúng với giai cấp thống trị, người cộng sản chỉ có hai vũ khí: nói và viết (cho nên người cộng sản phải là người diễn thuyết giỏi và viết báo giỏi). Ông Thanh có cái vũ khí thứ nhất.
    Và có lẽ cũng chỉ cần thế thôi.

    Trước khởi nghĩa ông làm công việc vận động nông dân, mà nông dân thì đa số mù chữ, không đọc được. Bây giờ nắm chính quyền rồi, nếu cần viết đã có người chấp bút, viết hộ.

    Phải thừa nhận là ông có tài hùng biện. Khi cần chế riễu ông biết sâu cay, khi cần khuấy động tâm can người nghe thì biết tìm ra những lời thống thiết. Mà không cần lý luận dài dòng gì, chỉ bằng những câu nôm na bắn trúng điểm đen, với một cách nói sôi nổi, đầy nhiệt tình. Đúng là một agitateur thượng đẳng.

    Động viên chúng tôi ông nói về trách nhiệm của người cộng sản đối với giai cấp nông dân về tình thương yêu của Đảng đối với chúng tôi, chỉ mong chúng tôi nhận ra khuyết điểm để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình mà thôi.

    Lời lẽ của ông cứ thấm vào ruột gan tôi. Không cần phải nói là trong lần kiểm thảo ấy tôi đã tự sỉ vả, bôi nhọ mình bằng thích.

    Sang năm sau, trung đoàn tôi được lệnh làm thí điểm chỉnh quân cải cách ruộng đất. Trước đó, bộ đội địch hậu không làm chỉnh quân sợ xảy ra tình huống phức tạp: trước đấu tranh giai cấp quyết liệt, có thể có những người nhảy sang phía địch chỉ cách ta có gang tấc. Và lần này cũng chỉ làm thí điểm một tiểu đoàn, cộng thêm một bộ phận trung đoàn bộ và quân khu bộ. Và cũng không dám làm tại chỗ, phải dắt díu nhau ra tận vùng tự do Thanh Hóa, cách mấy trăm cây số để quần nhau.

    Tôi lúc ấy là phó chính ủy trung đoàn được giao phụ trách lớp ấy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Lê Tự, phó chính ủy quân khu. Anh Tự đi Việt Bắc nhận chỉ thị chỉnh quân về phổ biến lại cho ban chỉ huy trung đoàn chúng tôi:

    - Yêu cầu chính của chỉnh quân là phải phát động quần chúng đấu tranh vạch mặt được những tên phản động, gián điệp chui vào hàng ngũ ta phá hoại, và phải làm kiên quyết, không được để lọt lưới.

    Tôi thắc mắc lắm và phát biểu lại:

    - Theo như tôi được nghe anh Thanh nói ở lớp học của chúng tôi thì chỉnh quân là để nâng cao giác ngộ cho quần chúng ngang tầm với nhiệm vụ mới của cách mạng, chứ đâu phải để đấu tố nội bộ?

    Trung đoàn trưởng Nguyễn Tiệp cũng băn khoăn lắm, nghe tôi nói thì tán thành ngay:

    - Anh Thư nói tôi nghe có lý hơn.

    Anh Lê Tự hơi bị lúng túng, rồi giải thích:

    - Đó là sau cuộc hội nghị phổ biến kế hoạch, anh Thanh có giữ mình lại dặn riêng như vậy.

    Đây là lần đầu tiên tôi có cái cảm giác về sự không đi đôi giữa lời nói và việc làm của các nhà lãnh đạo, về sự khác biệt giữa cái chủ trương công khai và cái chỉ đạo ngầm. Nhưng cũng chỉ là thoáng qua. Tôi còn bao công việc phải lo.

    Xin nói thêm là trong cuộc chỉnh quân thí điểm ấy, chúng tôi đã không đấu tố được tên phản động hay gián điệp nào. Đấu quá yếu chăng? Nhưng nếu phản động và gián điệp chui vào hàng ngũ ta nhiều như thế thì làm sao mà chúng tôi lại đánh thắng tới được như thế, làm sao chúng tôi không xơi no bom địch, làm sao chúng tôi tồn tại được giữa cái nơi nhìn xung quanh đâu cũng là đồn bót địch? May mắn là đang chỉnh quân dở dang thì diễn ra Điện Biên Phủ, cấp trên còn bận bao nhiêu việc khác, chẳng ai nghĩ đến chuyện tổng kết kinh nghiệm của đơn vị thí điểm, chứ nếu không thì cũng phiền cho anh Tự và tôi. Chỉ có tôi là bị kiểm điểm vì một sự cố xảy ra trong chỉnh quân: tối học phụ, xem phim Bạch Mao Nữ, một chiến sĩ, có lẽ vì quá căm thù giai cấp và sẵn súng trong tay, đã tương luôn một phát lên màn ảnh, tiêu diệt tên địa chủ Hoàng Thế Nhân, làm náo loạn cả lên, phải bỏ dở buổi chiếu bóng. Phúc tổ cho tôi hôm ấy là phim chứ không phải là diễn kịch.

    Hòa bình lập lại, về báo Quân Đội Nhân Dân, tôi được nghe nhiều cuộc nói chuyện và lên lớp của ông Thanh vốn là chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị, cơ quan chủ quản của báo. Và cũng phải mất vài năm, nhờ Đại Hội 20 tôi mới dần dần thoát ra khỏi được cái ma lực của ông, nghe ông bằng cái tai tỉnh táo hơn.

    Có một cuộc nói chuyện của ông tôi chắc rất nhiều anh em còn nhớ, cuộc nói chuyện trong đó ông kêu gọi khoác súng lên vai, chiến đấu nếu cần thì hết đời cha đến đời con. Nêu cao tinh thần chiến đấu thì tất nhiên phải chống tư tưởng hòa bình hưởng lạc. Ông diễu các bà vợ của một số ông cán bộ cao cấp ở nhà quê, đi kháng chiến vẫn nâu sồng, nay về thành phố lại đua đòi áo dài với tóc phi dê, nom như khỉ già. Ông cũng phê bình các cô văn công (thế hệ văn công hồi ấy là thế hệ các chị Thùy Chi, Kim Ngọc, Tường Vi v.v...) sao không cặp tóc như bình thường mà lại lấy mùi soa buộc vểnh ngược lên như cái đuôi ngựa. Ông gọi các bà lớn học làm sang là con gì thì tôi chẳng lấy thế làm động lòng, chỉ thương mấy cô văn công làm cái nghề đòi hỏi phải làm dáng mà lại nghèo, có cái khăn mùi soa buộc lên tóc mà cũng bị nhiếc như mẹ chồng nhiếc vậy.

    Tòa soạn chúng tôi có anh Sanh Thí, thuộc loại người ăn nói không cần giữ mồm giữ miệng. Chẳng hiểu anh đã kêu ca với ai về đời sống khó khăn và gọi nó là une chienne de vie (sống khổ như chó) mà câu ấy đã đến tai ông Thanh. Ông đã kể lại câu chuyện và phê phán Sanh Thí là sống une vie de chien (sống kiểu chó má). Ông tỏ vẻ thích thú về cách chơi chữ này của mình.

    Thoạt đầu tôi cũng chỉ nghĩ ông Thanh là người khắt khe, không thông cảm với những yêu cầu bình thường của quần chúng sau mười năm chiến tranh gian khổ. Cho đến khi tôi được nghe câu chuyện mừng hụt của ông Nguyễn Tuân. Ông Tuân kể rằng trong một lần dẫn nhà văn Pie Abraham vào thăm Vĩnh Linh, đến Đồng Hới ông đã đưa khách vào nghỉ ở nhà giao tế. Thấy trên tủ hàng có bày hai chai Môét Săngđông, ông Tuân vốn là người sành rượu, thích quá, nói với ông Yêm, phụ trách nhà giao tế:

    - Thật là châu về Hợp Phố. Tiếp khách Pháp lại có rượu Pháp.

    Bây giờ hai chai Môét Săngđông là chuyện vô nghĩa, nhưng ở cái thời xếp gạch ấy, nó quý như vàng. Nhưng ông Yêm tỏ ý tiếc. Nhà giao tế có mười chai, gia đình ông Thanh vào đây nghỉ đã dùng hết tám, còn lại hai chai này phải dành nốt cho ông. Ông Thanh qua đây bao giờ cũng chỉ uống rượu vang ấy. Sáng hôm sau, đến giờ ăn, ông Tuân dẫn khách xuống, thấy một bàn ăn bày rất thịnh soạn, nghĩ bụng:

    - Cái nhà giao tế này nó cũng chu đáo đấy chứ nhỉ!

    Nhưng một lần nữa ông lại mừng hụt. Người ta dẫn hai nhà văn đến một bàn gọn nhẹ hơn. Còn cái bàn thịnh soạn kia là bữa ăn trưa của gia đình ông Thanh lúc ấy vào rừng đi săn chưa về.

    Hóa ra cái gọi là hưởng lạc chỉ là quả cấm đối với những ai đó thôi.

    Và nhiều anh em chắc còn nhớ vụ án văn học Vào Đời, tiểu thuyết của Hà Minh Tuân. Vào Đời là câu chuyện một cô học sinh mà tuổi vào đời đã bị trắc trở do vào làm việc ở một nhà máy, gặp phải những người cán bộ đã lợi dụng sự dại dột và lòng khao khát sống của cô để làm điều nhảm nhí. Câu chuyện chỉ có thế, và viết không hay, nhiều chỗ sượng, giả sử để yên thì cuốn sách chắc cũng có ít độc giả. Nhưng báo Tiền Phong đã viết một bài phê bình. Cũng chẳng sao. Báo Tiền Phong có quyền phê bình, và ông Hà Minh Tuân, lúc ấy là giám đốc Nhà Xuất Bản Văn Học, chắc cũng chẳng kém cựa gì mà không dám trả lời.

    Nhưng ông Thanh đã nhảy vào cuộc và chuyển câu chuyện văn học sang thành một vấn đề chính trị: thế là bôi nhọ chế độ, là mất lập trường giai cấp. Ông tổ chức một buổi nói chuyện. Một khi ông Thanh đã lên tiếng thì tất cả các báo phải lần lượt lên tiếng. Và khi các báo đều lên tiếng thì tự nhiên sẽ nổi lên một phong trào quần chúng khắp nơi lên tiếng, đả kích Hà Minh Tuân dữ dội. Trong những người lên tiếng ấy, tôi tin rằng không ít người chưa đọc cuốn sách ấy, vì có sách đâu mà đọc.

    Tội nghiệp Hà Minh Tuân, thà rằng anh là Nhân Văn Giai Phẩm thì nó còn đi một nhẽ. Dẫu sao thì anh em Nhân Văn cũng đấu tranh trực diện, lớn tiếng nói lên những bất đồng với lãnh đạo, và đôi lúc khá chua cay. Nào là Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ (Trần Dần), nào là Đặt bục công an giữa trái tim người (Lê Đạt). Còn Hà Minh Tuân thì không có một tí gì như thế cả.

    Anh là một học sinh Hà Nội tham gia tự vệ chiến đấu khá sớm hồi tiền khởi nghĩa, và trong kháng chiến đã làm phó chính ủy một trung đoàn. Hòa bình lập lại, là một cán bộ tin cậy và yêu viết văn, anh đã được điều ra ngoài quân đội, làm hạt nhân lãnh đạo văn nghệ, phụ trách giám đốc Nhà Xuất Bản Văn học. Vào hồi ấy, cái chức vụ ấy là thuộc loại to. Anh đã có vài cuốn tiểu thuyết nhưng bị coi là mờ nhạt. Cho nên lần này anh định viết một cuốn có chiều sâu một tí, không tô hồng một chiều. Thế thôi. Nào ngờ! Anh đã bị treo bút, cách chức giám đốc nhà xuất bản, đưa đi làm công tác thủy sản, đánh cá nước ngọt.

    Theo Tuân nói với tôi thì Vào Đời là một câu chuyện có thật mà anh đã khai thác được trong một chuyến đi thâm nhập thực tế, chứ không phải anh bịa. Điều đó tôi không rõ, nhưng đã là tiểu thuyết thì cần gì phải là chuyện có thật? Và nếu vì quyển ấy mà Tuân bị như thế thì các nhà văn, nhà báo bây giờ viết về chống tiêu cực đáng bị như thế nào?

    Sau này gặp Hà Minh Tuân, tôi gợi lại chuyện cũ, và anh kể:

    - Hồi ấy, mỗi buổi sáng, ngồi một mình trong phòng làm việc, vì anh em cũng tránh gặp mình sợ bị vạ lây, mình giở các báo xuất bản trong ngày ra xem một lượt và có cảm tưởng mình như một đơn vị bị bao vây, ngồi cắn răng chịu đựng những đợt pháo từ tứ phía nã tới.

    Và anh cười:

    - Mình có để ý đến chữ đồng chí của các cậu.

    Câu chuyện là như thế này:

    Lúc ấy đã là những ngày cuối chiến dịch phê phán. Các báo đã lên tiếng cả, riêng báo Quân Đội Nhân Dân vẫn im hơi lặng tiếng. Như thế thật là nguy hiểm. Sau khi bàn bạc, thấy không thể trốn tránh được, chúng tôi phân công cho anh Mai Luân viết một bài. Dù muốn hay không, Luân cũng phải nhai lại vài điều các báo đã nói, và ở cuối bài, để tự xoa dịu lương tâm, thêm một câu đỡ đòn kín đáo cho Tuân và gọi anh là đồng chí Hà Minh Tuân. Chẳng là vì tất cả các bài phê phán Tuân đều dùng một giọng gay gắt, và cứ Hà Minh Tuân trống không mà réo, không một bài nào có đến một chữ anh, hoặc chữ đồng chí thường dùng. Bằng chữ đồng chí ở cuối bài, Mai Luân muốn ám chỉ rằng ta nên coi Hà Minh Tuân là đồng chí, và có thái độ đồng chí với anh. Chỉ có thế thôi mà phải đắn đo mãi. Và hai chữ đồng chí chìm khuất trong cuối bài ấy, Tuân cũng mò ra. Chứng tỏ anh đã dùng kính lúp để soi từng chữ các bài phê phán anh.

    Đang chiến dịch Vào Đời thì cuốn Phá Vây của Phù Thăng bị ông Thanh rờ tới. Phá Vây là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, nghiêm chỉnh từ đầu đến cuối. Nhưng để cho thêm sâu sắc (vẫn cái bệnh muốn cho sâu sắc), anh Phù Thăng đã đặt vào miệng chính ủy trung đoàn mấy câu triết lý về chiến tranh. Dài khoảng một trang in gì đó. Và thế là rắc rối. Lại chiến tranh chung chung, không phân biệt chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa! Trông gương Hà Minh Tuân, Phù Thăng hoảng quá, xin gặp ông Thanh để phân trần và nhận khuyết điểm. Và được ông ban cho một câu:

    - Không có gì, cứ yên tâm, lần sau viết thì rút kinh nghiệm. Phù Thăng mừng như bắt được của, gặp tôi hoa chân múa tay:

    - Không có gì! không có gì! Hú vía!

    Năm 1962 tôi được cử đi học ở Trường Chính Trị trung cao cấp của quân đội. Chương trình gồm ba môn: chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học của Mác, và lịch sử Đảng. Thời gian học: ba tháng. Với chương trình ấy và thời gian ấy, ai cũng có thể đánh giá được chúng tôi đã học một cách đại khái như thế nào. Nhưng hôm lớp học bế mạc, ông Thanh đến huấn thị, đã phát biểu:

    - Các đồng chí học như thế là quá nhiều rồi, bây giờ về đốt sách đi, để đi vào thực tế.

    Lại thêm một vị nữa chưa làm vua mà đã muốn đốt sách.

    Về sau tôi có được nghe ông kể về chuyện đi vào thực tế của ông. Lúc ấy ông được phân công nắm thêm nông nghiệp. Ông có đặt cho một kỹ sư chăn nuôi một câu hỏi: làm thế nào để có được hai triệu con lợn? Anh kỹ sư đã trình ông cả một kế hoạch bao gồm: chuồng, trại, vốn, con giống, thức ăn, phòng chữa bệnh, chính sách giá cả v.v... Ông Thanh đã gạt đi, bảo là lý thuyết suông. Ông nói: chỉ cần phát huy tinh thần cách mạng của nông dân, mỗi nhà nuôi hai con lợn là trong vòng một năm ta sẽ có hai triệu con lợn. Đó là phương pháp cách mạng, là quan điểm quần chúng. Chỉ tiếc rằng về sau, thực tế đã chứng tỏ là phương pháp cách mạng ấy đã không đẻ ra được lợn.

    Nghe nói rằng ông Mai Quang Ca, bí thư riêng của ông Thanh, đã ca ngợi ông Thanh không cần đọc nhiều, chỉ đọc một cuốn Nhà Nước Và Cách Mạng của Lênin là đủ để lãnh đạo cách mạng. Nếu chuyện đó có thật thì cũng chẳng lấy gì làm lạ: khối vị như thế. Chỉ có điều là có thực ông Thanh đã đọc hết cuốn Nhà Nước Và Cách Mạng hay không thì tôi cũng còn hồ nghi lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét