Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Hồi ký TRẦN THƯ

Phần 9Vấn đề mấu chốt chia rẽ Việt nam với Liên xô là vấn đề chiến tranh và hòa bình. Các nhà lãnh đạo Việt nam không quan tâm lắm đến lý luận, cái mà họ quan tâm là một vấn đề thực tiễn: Việt nam muốn đánh giải phóng miền Nam, còn Liên xô thì không muốn bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu nguyên tử với Mỹ. Vụ Caribê đã để lại cho họ một bài học.

Thực ra khi đặt bút ký Hiệp Định Giơnevơ 1954 (Genève) lập lại hòa bình ở Việt nam, các nhà lãnh đạo Việt nam thực lòng mong muốn việc thống nhất đất nước sẽ được thực hiện một cách hòa bình thông qua tổng tuyển cử trên cả hai miền. Nhưng Pháp đã rút chân khỏi miền Nam, trốn tránh trách nhiệm thi hành hiệp nghị. Còn Diệm thì kiên quyết cự tuyệt hiệp thương, một mực hô vượt sông Bến Hải và kéo lê máy chém khắp miền Nam.

Mỹ nhảy vào đã tiếp quản luôn cái vai trò thực dân không lấy gì làm vẻ vang của Pháp, cho nên cuộc chiến tranh ở miền Nam được coi là tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc. Nhưng ngay từ hồi ấy, trong giới nghiên cứu đã có ý kiến cho rằng sự đối đầu giữa hai miền đã dần dần trở thành một thứ nội chiến Quốc-Cộng có sự can thiệp của bên ngoài, một cuộc chiến tranh ý thức hệ không khoan nhượng nằm trong sự đối đầu ý thức hệ đang phân chia thế giới. Diệm thì quyết chống cộng đến cùng, còn cộng thì quyết làm chủ cả nước để đưa cả nước đi lên chủ nghĩa cộng sản. Các nhà lãnh đạo miền Bắc có tán thành tổng tuyển cử hòa bình thì chẳng qua cũng chỉ là vì họ chắc chắn tổng tuyển cử thì họ sẽ thắng. Niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở. Thanh thế của lực lượng kháng chiến đang lừng lẫy năm châu. Diệm cũng biết thế và chính vì thế mà Diệm kiên quyết cự tuyệt tổng tuyển cử.

Xét theo mục tiêu và sự không khoan nhượng của cả hai bên thì cuộc chiến tranh giữa hai miền là không tránh khỏi.

Lúc ấy tâm lý chủ chiến bao trùm xã hội miền Bắc. Tôi đã nghe ông Nguyễn Chí Thanh phát biểu trong một buổi nói chuyện:

Có đồng chí thắc mắc mới được hưởng hòa bình có mười năm. Đáng ra là phải nói: thế ra là ta đã được hưởng hòa bình những mười năm rồi cơ à! Vì đối với người cộng sản thì mười năm hòa bình là quá nhiều. Cho nên phải xốc balô lên vai, nắm chắc tay súng. Đánh đời ta không xong thì đánh đến đời con, đời con không xong thì đánh đến đời cháu.

Cũng vào hồi ấy, ở Việt nam có cuộc thi đấu hữu nghị giữa các đội bóng quân đội các nước xã hội chủ nghĩa. Trận chung kết là trận giữa hai đội Anbani và Liên xô. Khán giả sân Hàng Đẫy xưa nay vẫn được tiếng là vô tư và hiếu khách, hôm ấy đã hò reo ủng hộ đội Anbani và la ó đội Liên xô. Gần chỗ tôi ngồi, có một vị sĩ quan quân đội hăng máu nhảy chồm lên giơ nắm đấm:

- Oánh bỏ mẹ bọn xét lại đi!

Oánh bỏ mẹ bọn xét lại, vì bọn xét lại đầu hàng sợ Mỹ, còn ủng hộ Anbani vì Anbani kiên cường chống xét lại. Tất nhiên không phải ai cũng nghĩ thế. Nhiều người nghĩ khác, nhưng họ là cái thiểu số im lặng.

Trước cái tâm lý xã hội như thế, nếu có ai chủ trương chung sống hòa bình và thi đua hòa bình giữa hai miền thì cũng chẳng dám nói ra. Bây giờ nhìn ngược trở lại ta có thể nói nếu thi đua hòa bình thì cầm chắc miền Bắc sẽ thua. Hồi ấy bản tin tham khảo đặc biệt của Việt nam Thông Tấn Xã có trích đăng một lời phát biểu của ông Xihanuc (Shihanouk) mà đến bây giờ tôi mới thấy là có lý: Việt Cộng sống trong hòa bình như con voi sống trong một cửa hiệu bán đồ thủy tinh. Con voi là chúa tể rừng xanh, nhưng trong một cửa hàng thủy tinh thì nó không biết làm thế nào cho khỏi đổ vỡ. Suy rộng ra thì là: để làm chiến tranh cách mạng thì chủ nghĩa Mác Lênin là một vũ khí tuyệt diệu, nhưng để xây dựng trong hòa bình thì đó là một cái không dùng được.

Lúc ấy, trung thành với lý tưởng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa, tôi cũng nghĩ là phải đánh, chẳng có con đường nào khác. Vấn đề còn lại là đánh như thế nào?

Trung quốc bảo ta là muốn chống chủ nghĩa đế quốc thì phải chống chủ nghĩa xét lại, tức là chống Liên xô và những người đồng tình với Liên xô. Anh em chúng tôi thì lại nghĩ rằng nếu trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ta không thể thiếu được sự giúp đỡ của Liên xô thì trong cuộc chiến tranh chống Mỹ lại càng như thế. Muốn Liên xô giúp đỡ mà lại chống Liên xô là một điều vô nghĩa. Chính vì thế mà chúng tôi đã không thông với Nghị Quyết 9.

Mặt khác, khi còn là chiến tranh đặc biệt tức là giữa một bên là chính quyền miền Nam được sự hỗ trợ của Mỹ và một bên là nhân dân miền Nam được sự giúp đỡ của miền Bắc thì không có chuyện gì. Vấn đề nảy sinh khi trước những thất bại của chính quyền miền Nam, Mỹ đe dọa đổ quân vào miền Nam mở rộng cuộc chiến thành chiến tranh cục bộ. Vậy Việt nam lựa chọn như thế nào?

Trong khi làm việc với anh Đinh Chân, cán bộ báo Quân Đội Nhân Dân, được ban biên tập cử vào giúp ông biên tập một số văn kiện, ông Giáp có giải thích cho Đinh Chân:

- Nếu Mỹ đưa vào miền Nam năm vạn quân thì đã khó (cho ta), nếu họ đưa vào 10 vạn thì rất khó, và nếu họ đưa vào 15 vạn trở lên thì cực khó.

Tôi được đọc như thế trong cuốn sổ ghi chép của Đinh Chân. Như vậy rõ ràng là ông Giáp cân nhắc rất thận trọng. Và vấn đề quả là rất đáng phải thận trọng. Tiện đây tôi cũng xin kể là về sau Đinh Chân cũng bị bắt sau tôi ít tháng.

Trên đây là một nhận định của ông Giáp. Còn ông Duẩn thì phát biểu trong một buổi nói chuyện với cán bộ:

- Nếu Mỹ đánh ta bằng chiến tranh đặc biệt thì ta sẽ thắng nó trong chiến tranh đặc biệt, còn nếu nó đánh ta bằng chiến tranh cục bộ ta sẽ thắng nó trong chiến tranh cục bộ.

Đại để có thể hiểu là: Việt nam để cho Mỹ chọn, tùy, kiểu nào cũng ô-kê. Trong khi nghị quyết của Trung ương thì nói là phải kìm Mỹ trong chiến tranh đặc biệt mà đánh.

Còn ông Kôxưghin (Kossigyn), chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Liên xô sang thăm Việt nam đầu năm 1965 thì phát biểu: Nếu Việt nam chủ trương đánh thì Liên xô ủng hộ Việt nam đánh, nếu Việt nam chủ trương đàm thì Liên xô ủng hộ Việt nam đàm. Chuyện này do chính ông Duẩn kể lại trong một cuộc nói chuyện với cán bộ. Như vậy là ngay từ 1965, Liên xô đã trông thấy có hai khả năng giải quyết vấn đề, đàm và đánh, chọn cách nào là chủ quyền của Việt nam.

Hòa hay chiến? Đó là một câu hỏi mà tìm được lời giải không phải dễ. Tôi tự đánh giá mình hiểu biết còn quá ít cho nên không dám phê phán điều gì. Tôi chỉ căn cứ vào chút ít hiểu biết của mình để có một ý nghĩ cho riêng mình mà thôi.

Trong lịch sử chiến tranh của ta, đã có một lần Mỹ định nhảy vào Việt nam. Đó là sau khi ta thắng trận Điện Biên Phủ. Trước nguy cơ mở rộng chiến tranh, ta đã không thừa thắng xông lên, mà đã dừng lại, ký kết hiệp định Giơ ne vơ, chặn đứng Mỹ lại đã, rồi sẽ tính sau. Cho tới nay chưa ai bảo việc làm đó là sai lầm. Trong cuộc chiến tranh ở Miền Nam, rốt cuộc ta cũng phải ngồi vào đàm phán với Mỹ, ký hiệp định Pari (Paris), gạt Mỹ ra, để người Việt nam xử sự riêng với nhau. Tôi nghĩ rằng chặn Mỹ lại khi họ chưa nhảy vào có lẽ dễ hơn là để họ đưa mấy chục vạn quân vào rồi mới tìm cách đẩy họ ra. Để làm được việc đó, ta đã phải mất tám năm, với bao nhiêu triệu sinh mạng con người và bao nhiêu tổn thất khác đến tận bây giờ vẫn chưa khắc phục được.

Tôi nghe nói trong một lần tiếp một vị khách Thái Lan (thủ tướng hay bộ trưởng gì đó), ông Đỗ Mười đã nói: Nhân dân Việt nam chúng tôi đã phải trải qua ba cuộc chiến tranh... Để nói Việt nam là anh hùng? Hay là để nói Việt nam đang có nhiều khó khăn do ba cuộc chiến tranh để lại?

Không rõ. Và trong lời đáp từ, vị khách Thái Lan đã nói: Nhân dân Thái Lan chúng tôi đã may mắn tránh được ba cuộc chiến tranh...

Nếu chuyện đó là có thật thì vị khách Thái Lan quả là đã nói một câu thâm thúy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét