Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Gian nan một hội chưa thành

Đầu năm 1990, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo về đa nguyên, đa đảng do ông Trần Xuân Bách, lúc ấy làm thường trực Ban bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì. Cuộc hội thảo có sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học, chính trị tham gia.

Khi ấy, tôi làm Ủy viên thường trực của tờ Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tôi cho đăng tin về cuộc hội thảo này, bản tin do văn phòng của Liên hiệp gửi, số tháng 03/1990.

Chuẩn bị ra số tháng 4/1990, tôi nhận được bài: Bàn về dân chủ đa nguyên của ông Đỗ Đức Dục vốn là Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam viết cho. Do sự hiểu biết về dân chủ đa nguyên của tôi kém, nên tôi đưa bài ấy nhờ Giáo sư Trần Văn Giàu, lúc ấy là Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xem hộ. Giáo sư Trần Văn Giàu đọc xong đưa cho tôi và khen bài rất hay. Tôi cho đăng trong số 4/1990.

Ngay sau khi số báo ra đời, thì tôi được công an đến giao cho quyết định thu hồi cả 2 số báo 3/1990 và 4/1990 và khởi tố Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc. Liên tiếp sau đó, tôi và ông Tổng biên tập phải đến công an thẩm vấn nhiều lần. Tuy nhiên, sau họ hủy bỏ vụ án.

Còn ông Trần Xuân Bách thì sau vụ việc này bị mất chức tất cả, trở về làm đảng viên thường và nhà vốn ở phố Phan Đình Phùng cũng không được ở nữa mà phải về Trung Tự-ngoại ô của Hà Nội.

Năm 2001, Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê cùng bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đã viết xong cuốn “Đối thoại năm 2000” theo đề nghị của ông Nguyễn Minh Triết, khi ấy là Bí thư thành ủy của Sài Gòn, ra Hà Nội viết “Đối thoại 2001”. Ngày 2/9/2001, tôi mời ông Trần Khuê, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, cùng một số người quí mến ông Trần Khuê, trong đó có cả ông Hoàng Minh Chính, nhà văn Hoàng Tiến, v.v…đến nhà ăn cơm trưa.

Mọi người đến từ sớm, chuyện trò rôm rả. Hôm ấy, các báo lại đăng bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh 2/9 của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Phan Văn Khải. Các ông ấy kêu tham nhũng đã trở thành quốc nạn và kêu gọi nhân dân phải tham gia chống tham nhũng. Cùng nhau đọc những bài báo ấy, mọi người bảo nhau nên làm đơn xin thành lập “Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng”, gọi gọn là “Hội chống tham nhũng”. Tất cả đều tán thành. Tôi làm ngay đơn, mọi người thông qua, tôi đánh máy ngay và đề nghị 2 người ký tên. Đại diện miền Nam là ông Trần Khuê, đại diện miền Bắc là ông Hoàng Tiến. Khi Hội được phép thành lập thì tôi sẽ xin ra báo Chống tham nhũng và phụ trách tổ báo ấy. Nhưng mọi người bảo, tôi là đại diện miền Bắc, ông Trần Khuê đại diện miền Nam. Nghe theo đa số, tôi cùng ông Trần Khuê ký tên ngay và tôi ra bưu điện gửi ngay thư bảo đảm lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Vậy mà ngày 5/9/2001, tôi bị triệu tập liên tục ra công an phường để thẩm vấn về vụ việc này trong mấy ngày liền tiếp. Và những hôm đó, bất cứ ai đến nhà tôi chơi đều bị bắt ra công an phường. Ông Trần Khuê có việc sang Gia Lâm thì bị bắt và trục xuất ngay không được quay về Hà Nội và buộc phải vào ngay Sài Gòn.

Ngày 22/12/2002, tôi vào Sài Gòn theo yêu cầu của ông Đạo sư Duy Tuệ là Chủ tịch danh dự của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng đạo Phật bàn về việc đòi Tử Dương Vọng Đình ở số 8 phố Hàng Buồm- Hà Nội, là nơi thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Trung, anh cả của Đức Thánh – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã cùng vua Trần Nhân Tông thành lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi đình này bị một cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam chiếm từ 1955. Mấy chục năm dân làng Tử Dương ở Hà Nội đi đòi đều không được giải quyết. Ủy ban Nhân dân bảo phải qua Tòa án Nhân dân. Tòa án Nhân dân bảo phải do Ủy ban Nhân dân giải quyết. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu ứng dụng đạo Phật tham gia giúp nhân dân đòi đình cũng không xong. Cùng đi với tôi có bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu, Biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, người đã giúp xuất bản cuốn sách “ Làng Tử Dương qua di sản văn hóa Hán Nôm”. Cuốn sách này in xong cũng bị thu hồi vì liên quan đến đòi Tử Dương Vọng Đình .

Vào Sài Gòn, sau khi làm việc với Đạo sư Duy Tuệ, tôi đến thăm ông Trần Khuê hai lần. Lần đầu thì không có vướng mắc gì, ông Trần Khuê đưa cho tôi danh sách 16 người ủng hộ việc đề nghị Đảng và Nhà nước cho thành lập “Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống Tham nhũng”. Lần thứ hai, tôi cùng bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu đến thăm thì công an giữ ngay ở cổng nhà ông Trần Khuê vì hóa ra là ông Trần Khuê đang bị quản chế theo nghị định 31/CP. Một buổi chiều chúng tôi bị thẩm vấn và làm biên bản. Bà xã nhà tôi, cô ấy bảo công an là nếu ai bị quản chế thì phải có giấy dán ở cửa và cấm không cho người đến thăm, nếu như thế này thì đất nước có gì là luật pháp.

Chiều 28/12/2002, tôi cùng bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu ra ga Sài Gòn để về Hà Nội. Đến cổng ga thì chúng tôi bị công an giữ lại kiểm tra hành lý. Họ lục lọi mọi đồ vật. Tất cả không có gì chỉ có bản danh sách 16 người ủng hộ việc đề nghị Đảng và Nhà nước cho thành lập “ Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống Tham nhũng”. Họ nói tài liệu phản động đây rồi (!?). Và cả ba người chúng tôi đều bị đưa về giữ qua đêm ở đồn công an quận. Ngày hôm sau thì bị đưa vào trại tạm giam. Bà xã nhà tôi thì bị 11 ngày. Ông Bùi Thu bị 9 ngày. Còn tôi thì bị đưa ra trại giam Hà Nội ngày 12/1/2003, ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, gọi là trại giam B14. Phòng giam là một căn buồng khép kín, không biết ánh sáng mặt trời ra sao, suốt ngày đêm sống dưới ánh sáng đèn nê-on, không được mang đồng hồ, nên không biết giờ giấc là gì. Sau 18 tháng rưỡi giam cầm và tra cứu thẩm vấn, ngày 14/7/2004, tôi ra Tòa xử với tội danh “ Lợi dụng dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tại phiên tòa, tôi phản bác hoàn toàn Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân. Hai lần tôi thách Công tố viên tranh luận những nội dung kết tội tôi trước ống kính máy quay truyền hình. Vậy mà Tòa vẫn xử tôi 19 tháng tù giam và khi về nhà đọc báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thấy báo đăng bài viết là tại tòa tôi nhận hết tội.

Ngay sau ngày tôi bị bắt thì hôm sau ông Trần Khuê cũng bị bắt và bị kết án 19 tháng như tôi.

Tôi viết lại những sự việc trên đây để các bạn có thể phần nào thông cảm được với Đảng Cộng Sản Việt Nam, họ rất sợ Đa nguyên Đa Đảng và rất sợ các Hội do nhân dân tổ chức ra mặc dầu có xin phép đầy đủ theo như Công ước Nhân quyền Quốc tế mà họ đã ký kết, cũng như Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng ghi nhận. Nhưng tôi tin rằng, trước sau, dù họ có còn sợ hay không, Việt Nam cũng sẽ có Đa nguyên, Đa Đảng và các Hội của nhân dân cũng sẽ được tự do thành lập vì tất cả những điều đó chỉ có lợi cho toàn thể nhân dân, trong đó có cả chính những người Cộng sản và con cháu của họ.


Phạm Quế Dương

Thang nay dang ham he voi ai ?





 Thang nay dang ham he voi ai ?

Bài bào chữa cho chồng

Bài bào chữa cho chồng
Kính gửi: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.
Hội đồng xét xử.
Ông thẩm phán – chủ toạ phiên toà
Tôi tên là: Bùi Thị Kim Ngân - Nghề nghiệp: Kế Toán
Địa chỉ: Số nhà 26 tổ 67 B -Vĩnh Tuy – Hai bà Trưng- Thành phố Hà Nội.
Chồng tôi là: Nguyễn Vũ Bình, sinh ngày 2 tháng 11 năm 1968, nguyên là biên tập viên Tạp chí Cộng sản, bị cơ quan an ninh bắt ngày 25 tháng 9 năm 2002. Từ đó đến nay hơn 15 tháng chưa một lần được gặp vợ, con cũng như người thân thích, sẽ bị đưa ra xét vào ngày 31 tháng 12 năm 2003 với tội danh ghi trong cáo Trạng: Tội gián điệp.
Thưa ông thẩm phán: Lê Thanh Bình – Chủ toạ phiên toà xét xử vụ sơ thẩm ông Nguyễn Vũ Bình.
Sau khi được biết Viện Kiểm soát nhân dân thành phố Hà Nội khép tội chồng tôi vi phạm vào điều 80 Bộ luật hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam- tội gián điệp. Cụ thể trong cáo trạng có ghi như sau:
1- Do có tư tưởng dân chủ đa nguyên, 2 tháng 9 năm 2000 –Bị cáo Nguyễn Vũ Bình đã viết đơn xin thành lập Đảng tự do dân chủ nhằm xây dựng lực lượng chống lại Đảng Cộng sản.
2- Năm 2001 liên hệ với các phần tử phản động, bất mãn như: Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương … để trao đổi viết bài nói xấu Đảng.
3- Ký tên xin thành lập " Hội nhân dân Việt nam chống tham nhũng ".nhằm mục đích xây dựng lực lượng chống Đảng…
4- Móc nối với một số đối tượng phản động bên ngoài cung cấp tin tức, trao đổi về tình hình dân chủ cũng như vi phạm nhân quyền hiện nay ở Việt nam, nhằm mục đích nói xấu và chống phá nước CHXHCN Việt Nam.
5- Viết bài về vấn đề biên giới Việt Trung, cung cấp tin tức nhằm phá kế hoạch chuẩn bị ký kết vấn đề biên giới giữa Việt Nam - TQ.
6- Viết Bản điều trần về tình trạng nhân quyền tại Việt nam gửi cho Quốc hội Mỹ
7- Nhận tiền của nước ngoài.
Tôi: Bùi Thị Kim Ngân, với tư cách là vợ, người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Vũ Bình tôi xin được làm bào chữa viên nhân dân cho chồng tôi – Nguyễn Vũ Bình.
1. Viết đơn xin thành lập Đảng tự do dân chủ – Sau khi phân tích, đánh giá, nhận thức thấy nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. mong muốn giảm thiểu những tổn thất nhân dân phải gánh chịu, nên đã viết đơn xin thành lập Đảng Tự do – Dân chủ.
Lá đơn ông Nguyễn Vũ Bình viết đã gửi tới các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam một cánh công khai và xin phép đàng hoàng. Điều 67 Hiến pháp Việt Nam " Công dân có quyền tự do lập hội … "
Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó ” – Vì vậy không thể kết kết tội ông Nguyễn Vũ Bình Vào tội gián điệp. Chính cơ quan an ninh và Viện kiểm soát đã vi phạm hiến pháp, cố tình làm sai hiến pháp.
Mặt khác theo tôi được biết việc muốn thành lập Đảng phải có cương lĩnh, điều lệ, phương thức hoạt động. Ông Nguyễn Vũ Bình chưa có các điều kiện trên chưa thể lập được Đảng. Qui tội gián điệp ở đây là vô căn cứ.
Lịch sử Việt Nam cũng đã từng có Đảng dân chủ. chính Đảng này đã tồn tại một thời gian tương đối dài và có nhiều đóng góp trong công cuộc cách mạng của Việt Nam. Những người cầm đầu Đảng dân chủ hiện nay vẫn giữ một số vị trí quan trạng của đất nước Việt Nam và để lại trong lòng người dân Việt Nam sự kính trọng và quý mến.
Tại sao Viện kiểm soát lại cho rằng việc thành lập Đảng dân chủ là xấu, là chống lại Đảng cộng sản? Có phải Viện kiểm soát quan liêu đã đưa ra những lời lẽ như trong cáo trạng.
2.Liên hệ với các phần tử chống Đảng, bất mãn …Tôi xin được hỏi điều luật nào cấm con người đi lại, quan hệ với nhau? Các Ông như Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang… có báo chí, cơ quan Truyền thông hoặc văn bản nào thông báo về tội danh cũng như hoạt động chống phá Đảng của các ông ấy không?
Các ông ấy thông tin nói xấu chính phủ như thế nào, mức độ và tác hại ra sao?Tại sao không thấy cho người dân đọc các bài nói xấu đó? Dựa vào chứng cứ này để kết tội ông Nguyễn Vũ Bình vào tội gián điệp là một việc làm hết sức quan liêu của cơ quan điều tra cũng như viện kiểm soát. Tôi xin bác bỏ.
3. Ký tên xin thành lập "Hội nhân dân chống tham nhũng "… Thưa hội đồng xét xử, trong bài viết Việt nam và con đường phục hưng đất nước, có đoạn ông Nguyễn Vũ Bình viết: "Tình hình tham nhũng trở thành quốc nạn tham nhũng đã được Đảng, Quốc hội và nhân dân thừa nhận”. Đó là cách đánh giá đúng đắn của ông Nguyễn Vũ Bình.
Chính vì nạn tham nhũng hoành hành nên mới có một số cán bộ cao cấp bị đưa ra toà như Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy trong vụ án Năm Cam. Gần đây nhất là bộ trưởng Bộ nông nghiệp và một số quan chức khác trong vụ Lã Thị Kim Oanh.
Từ nhận thức đó ông Nguyễn Vũ Bình cảm thấy nó nhức nhối như một khối ung nhọt, ông Nguyễn Vũ Bình muốn đóng góp trí tuệ, sức lực để gọt bỏ khối ung nhọt đó đi vì vậy mới ký kết vào lá đơn xin thành lập " Hội nhân dân chống tham nhũng ”.
Đây là một việc làm tích cực có mục đích tốt đáng được hoan nghênh, động viện khích lệ. Thì lại bị cơ quan an ninh và Viện kiểm soát vu cho là có động cơ xấu nhằm xây dựng lực lượng chống Đảng. Đề nghị hội đồng xét xử xem xét kỹ vấn đề đánh giá xem ông Nguyễn Vũ Bình hay cáccơ quan kia có mục đích xấu?
4.Móc nối với các phần tử bên ngoài…Ông Nguyễn Vũ Bình không móc nối, những người Việt kiều đó tự liên hệ và làm quen như trong bản cung đã khai.Trong luật có ghi tôi gián điệp là phải quan hệ cung cấp tin tức cho nước ngoài.
Trong từ điển định nghĩa: nước ngoài phải là một chính phủ, một quốc gia, một tổ chức của một đất nước khác nói tóm lại không phải là người Việt Nam, tổ chức của người Việt, hay chính phủ Việt nam.
Hơn nữa các cá nhân người Việt ở nước ngoài như ông Nguyễn Gia Kiểng, bà Ngô Thị Hiền, ông Nguyễn Ngọc Được, ông Trương Minh Dũng, ông Tấn Lực. Tôi chưa hề thấy chính phủ Việt Nam cũng như các quốc gia hiện nay họ đang cư trú có một bản án nào về những hoạt động bất hợp pháp của họ. Nếu ông Nguyễn Vũ Bình có quan hệ với họ thì cũng không thể kết tội ông Nguyễn Vũ Bình là Gián điệp.
Mặt khác việc trao đổi thư từ điện tử. Điều nào trong luật pháp cấm người dân sử dụng thư điện tử? Trong cáo trạng có ghi trao đổi thư điện tử để cung cấp tin tức cho họ chống phá nhà nước.
Tôi xin hỏi tổ chức nào đã chống phá nhà nước? Mức độ chống phá thế nào? Những tin tức đó không phải là tin tức bí mật. Những thư điện tử đó theo tôi đó chỉ là trao đổi quan điểm của mỗi cá nhân về vấn đề dân chủ và tình trạng nhân quyền mong muốn đi tới một tương lai tốt đẹp để có thể ngẩng cao đầu tự hào với năm châu bốn biển về đất nước Việt Nam cũng như con người Việt Nam.
Đó là những quan điểm tích cực. Tôi mong muốn các ông nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, để không khép ông Nguyễn Vũ Bình Vào tội danh gián điệp.
5. Về vấn đề Biên giới Việt –Trung.. Quốc gia nào cũng đều có đường biên để phân biệt rõ ràng địa phận cũng như quyền sở hữu của mỗi một quốc gia. Việc ký kết một hiệp định về vấn đề biên giới là một việc hết sức quan trọng.
Tôi xin hỏi trước khi chuẩn bị ký kết chính phủ đã trưng cầu ý dân chưa? Vì mỗi tấc đất là của dân tộc, của nhân dân và người dân đã đổ bao nhiêu xưng máu để bảo vệ cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Cụ thể năm 1979 bao nhiêu người dân Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía Bắc, điều đó đã đi vào lịch sử.
Nếu việc thực hiện trưng cầu ý dân khó khăn không thực hiện được thì sau khi ký kết hiệp định cũng nên công bố một cách công khai và minh bạch cho toàn thể người dân Việt Nam được biết.
Nhưng điều đó ông Nguyễn Vũ Bình cũng như toàn thể người dân Việt Nam không hề được biết.
Sau khi hiệp định biên giới Việt Trung được ký kết thì bất kỳ người dân Việt Nam nào qua cửa khẩu Lang Sơn đều thấy cột mốc Hữu nghị Quan không còn nằm ở vị trĩ cũ mà đã lùi sâu vào bên trong sang phía đất Việ! t Nam. Rồi Thác Bản Giốc cũng bị chia đôi…
Bất kỳ một người dân Việt Nam có lòng yêu nước và có trách nhiệm với đất nước đều cảm thấy đau lòng vì cha ông, con cháu họ đã đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ từng tấc đất, không những thế quyền lợi của người dân cũng bị mất vì một số danh lam thắng cảnh đẹp của Việt Nam trước kia nay cũng bị chia xẻ.
Chồng tôi – bị cáo Nguyễn Vũ Bình, là một công dân Việt nam yêu nước trước sự việc đó hỏi không đau lòng làm sao được? Chính vì thế ông mới viết bài lên tiếng mong mọi người có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi cho đất nước cho dân tộc thì lại bị cơ quan an ninh và viện kiểm soát nhân dân thành phố Hà nội qui kết là cung cấp tin tức cho bên ngoài để nhằm phá hiệp định biên giới Việt Trung. Để rồi buộc tội ông Nguyễn Vũ Bình vào tội gián điệp.Điều này là vô căn cứ, tôi xin toà loại bỏ.
6.Viết Bản điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam gửi cho Quốc hội Mỹ…. Thứ nhất: Ngày 19 tháng 7 năm 2002 nhận được lời mời của Bà Loreta Sanchez – Hạ nghị sĩ – Hạ nghị viện Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Vũ Bình đã viết Bản điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Nội dung chỉ là bản sao lại những điều của một số công dân Việt nam đã cùng nhau làm đơn kiến nghị tập thể gửi cho các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước. Sự việc đó là có thật thì tại sao lại kết tôi ông Nguyễn Vũ Bình là vu cáo – xin loại bỏ.
Còn việc tại sao lại gửi bản điều trần đó cho Quốc hội Hoa kỳ, có thể ông Nguyễn Vũ Bình suy nghĩ những sự việc trên đã gửi cho các cấp lãnh đạo nhưng bị lờ đi vì thế ông Nguyễn Vũ Bình gửi bản điều trần cho Quốc hội Mỹ mong muốn có một giải pháp tốt đẹp hơn? (chẳng hạn trong nhà có chuyện lục đục mãi không thể hoà giải được thì phải đưa ra tổ dân phố, tổ hoà giải …)
Mặt khác, nếu kết tội chồng tôi - ông Nguyễn Vũ Bình cung cấp Bản điều trần cho quốc hội Mỹ là phạm tội gián điệp. Thì xin các ông chứng minh bằng cách mời Hạ Nghị viện Mỹ cử người sang đối thoại một cách cởi mở trên tinh thần của chính phủ đã đưa ra cụ thể là mời bà Loreta Sanchez người đã mời ông Nguyễn Vũ Bình sang để giải trình cho rõ:
1. Hạ nghị viện Hoa kỳ có phải là cơ quantình báo không?
2. Hạ nghị sĩ Loreta Sanhchez có phải là điệp viên không?
3. Việc mời ông Nguyễn Vũ Bình viết Bản điều trần có phải là hoạt động gián điệp không?
Còn nữa, nếu cơ quan an ninh và viện kiểm soát không chứng minh được Quốc hội Hoa kỳ đã dùng bản điều trần do ông Nguyễn Vũ Bình gửi để chống phá nhà nước Việt Nam như thế nào? thì có nghĩa là các cơ quan đó đã tùy tiện kết tội ông Nguyễn Vũ Bình. Chính các cơ quan ấy mới là kẻ vi phạm luật pháp phải đem ra truy tố theo luật định.
7. Nhận tiền của nước ngoài… Điều luật nào cấm người dân Việt Nam nhận tiền của Việt kiều ở nước ngoài? Việc nhận tiền mang tính chất giúp nhau trong lúc khó khăn vì lúc đó ông Nguyễn Vũ Bình đã mất việc ở Tạp chí cộng sản không thể qui vào tội gián điệp được, xin quý toà loại bỏ.
Một số ông bên an ninh nói không ai tự nhiên đem tiền đi cho người dưng. Xin hỏi: nếu không có lòng tương thân tương ái thì làm sao lại có sự giúp đỡ ủng hộ, viện trợ của một số nước cho Việt Nam? Làm sao lại có sự ủng hộ vào quỹ người nghèo để giúp một số gia đình thoát khỏi cảnh gian nan trong lúc khó khăn?
Trường hợp ông Nguyễn Vũ Bình cũng thế, mất việc lại bị Tạp chí Cộng sản ghi trong lý lịch: "Có nhận thức sai về tình hình đất nước, không tin vào sự lãnh đạo của Đảng”, hòng chặn con đường xin việc của ông Nguyễn Vũ Bình.
Thật sự ông Nguyễn Vũ Bình rất khó xin việc kể từ khi thôi ở Tạp chí Cộng sản. Nhiều lần đi tuyển ở các trung tâm giới thiệu việc làm để làm biên tập viên, một công việc mà ông Nguyễn Vũ Bình đã từng làm hơn 8 năm trời nhưng đều bị loại (không hiểu có một áp lực nào không?).
Rồi viết bài bình luận về bóng đá là môn thể thao mà ông Bình rất hâm mộ. Ông Bình rất có tư duy về bình luận bóng đá vì thế ông viết bài gửi đi với bút danh mang tên con gái, viết bài nào là được đăng bài đó nhưng rồi không hiểu sao cũng chỉ được vài lần.
Rồi báo Thể thao Văn hoá gọi điện đến xin lỗi không đăng được với lý do nếu cứ đăng bài của ông Bình thì những phóng viên của báo sẽ không còn chỗ của họ trên trang báo. Thế là ông Bình lại không có việc.
Chính những lúc khó khăn như thế mọi người mới giúp đỡ gửi tiền để giúp nhau trong lú! c khó khăn. Số tiền đâu có nhiều, tổng cộng không hơn 500 USD không bằng một lần nhận hối lộ của một số vị quan chức đã bị đưa ra toà. Tại sao Viện kiểm soát và cơ quan an ninh lại qui vào tội gián điệp?
Tôi xin hỏi họ qui kết ông Nguyễn Vũ Bình nhận tiền để làm gián điệp dựa vào cái gì? Xin hãy thôi ngay đi cái trò "ngậm máu phun người ".
Tôi đề nghị hội đồng xét xử là nơi cầm cân nảy mực, có cách nhìn một cách khách quan nhất, công bằng nhất. Không vì một lý do nào đó, xét xử theo đúng pháp luật để không có một vụ án nào oan sai mang lại niềm tin trong mỗi người dân.
Kết luận:
Dựa trên những điều tôi đã bào chữa trên đây, chồng tôi- ông Nguyễn Vũ bình – vô tội.
Chồng tôi - ông Nguyễn Vũ Bình bản chất thật thà, đạo đức, luôn coi trọng điều ngay lẽ phải, thấy những gì ngang tai, trái mắt là không chịu. Biết là làm những việc đó, nói ra những điều đó sẽ phải hy sinh quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình nhưng anh vẫn làm vì ý nguyện của anh là mong muốn cho toàn thể dân Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước phồn vinh hơn.
Tôi đề nghị hội đồng xét xử tha bổng cho chồng tôi- ông Nguyễn Vũ Bình để ông sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Tôi và các con tôi đang cần có anh.
Kính mong hội đồng xét xử để có quyết đinh sáng suốt.
Hà nội, ngày 26 tháng 12 năm 2003
Bào chữa viên nhân dân
Vợ bị cáo
Bùi Thị Kim Ngân
Đồng kính gửi:
- Văn phòng Tổng Bí thư
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Văn phòng Chủ tịch Quốc hội
- Văn phòng Thủ tướng chính phủ
- Toà án nhân dân tối cao
- Viện kiểm soát nhân dân tối cao
- Toà án nhân dân thành phố Hà nội
- Viện kiểm soát nhân dân thành phố Hà nội
- Các cơ quan thông tấn và báo chí
- Các bạn bè gần xa, những ai quan tâm