Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Hồi ký NGUYỄN HỘ 1

Quan Điểm và Cuộc Sống – Phần 1
                  A. Trái Đất Đảo Lộn.
Chịu sự tác động của công cuộc cải tổ toàn diện đất nước Xô Viết vĩ đại bắt đầu từ tháng 04 năm 1985, thế giới đã bước vào một thời kỳ chuyển động khác thường, có thể nói là “chóng mặt” và vô cùng phức tạp.
Phải thừa nhận rằng trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô (cũ), dân chủ – công khai là động lực mang tính chất áp đảo đã tạo ra những chuyển biến có tầm vóc quốc tế đáng kinh ngạc.
Những hiện tượng nổi bật của nó là :
- Cuộc đấu tranh đồng loạt cho dân chủ – tự do, chống chuyên chế độc tài, chống tham nhũng, đòi thành lập một nhà nước pháp quyền của hàng triệu sinh viên, học sinh, trí thức và các tầng lớp nhân dân thủ đô Bắc Kinh cùng với các thành phố khác của Trung Quốc hồi tháng 05 đã bị tàn sát đẩm máu tại Thiên An Môn và bị dập tắt ngay sáng ngày 04 tháng 06 năm 1989.
- Trận cuồng phong dân chủ – công khai ở Liên Xô (cũ) tràn vào Đông Ấu đã xoáy mạnh và làm tan rã các nước xã hội chủ nghĩa ở khu vực này kể từ tháng 10 năm 1989. Các đảng Mác- Xít cầm quyền bị sụp đổ, các lãnh tụ bị bắt, đưa ra tòa xét xử hoặc bị giết: Honecker (Cộng Hòa Dân Chủ Đức), Tô-to-gíp-cốp (Bungari), Ceaucescou (Rumani), bức tường Bá Linh cắt đôi nước Đức suốt mấy mươi năm đã bị đạp bằng, Đông Đức sát nhập vào Tây Đức thành nước Đức thống nhất.
- Khối Vác-sa-va (Khối quân sự các nước xã hội chủ nghĩa Đông Ấu kể cả Liên Xô cũ) và hội đồng tương trợ kinh tế Châu Ấu (tổ chức kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa) đều giải thể (1990-1991).
- Theo sự cam kết của chính phủ Liên Xô (cải tổ) là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, hồng quân Liên Xô lần lược rút khỏi các nước Đông Ấu (từ năm 1990 trở đi) sau 45 năm chiếm đóng các nước này.
- Do sức ép mạnh mẽ của phong trào dân chủ, đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô (1990) đã thông qua quyết định hủy bỏ điều 6 của hiến pháp Liên Xô (cũ) về vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Liên Xô đối với đất nước Xô Viết hơn 70 năm trước đó.
- Cuộc đảo chánh nhằm lật đổ Tổng Thống Liên Xô M.Gorbachov của lực lượng bảo thủ chống cải tổ trong đảng cộng sản và nhà nước Liên Xô (cũ) nổ ra ngày 19/08/1991, song nó đã thất bại ngay sau đó (21/08/1991) bởi chiến thắng ngoan cường của của lực lượng dân chủ Mockba và Le-nin-grat.
- Đảo chánh bị thất bại, M.Gorbachov trở lại vị trí Tổng Thống của mình (21/08/1991), sau đó tuyên bố từ chức Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô và yêu cầu Uỷ ban trung ương đảng nên tự giải thể, đồng thời Tổng Thống Liên Xô đã ký sắc lệnh buộc đảng cộng sản Liên Xô ngưng
hoạt động. Ở một số nước Cộng Hòa, đảng cộng sản bị cấm hoạt động (Cộng Hòa Liên Bang Nga), có nơi đảng cộng sản đã giải thể hoặc đổi tên khác để tiếp tục hoạt động.
- Chủ nghĩa dân tộc cực đoan bộc phát dữ dội, chưa từng thấy ở các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô (cũ): tuyên bố độc lập và ly khai với Mockva (Liên Bang Xô Viết) đã làm rung chuyển đến cội rễ bộ máy nhà nước Liên Xô, cắt xén và làm suy yếu nó một cách nghiêm trọng đến độ nó chỉ còn là một Liên Bang lỏng lẻo, tự do và rất yếu đuối.

Tuy nhiên sự kiện làm chấn động dư luận thế giới là “cộng đồng các quốc gia độc lập” gồm 3 nước : CHLB Nga, U-cơ-rai-na, Bê-la-rút ra đời (08/12/1991) đã thu hút hầu hết các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô (cũ) còn lại than gia vào cộng đồng nói trên.
Mặc dù, M.Gorbachov thấy rõ trách nhiệm nặng nề của mình là phải đưa đất nước Liên Xô vượt qua thảm họa của cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, sắc tộc, thậm chí đang có nguy cơ đảo chánh, nội chiến với quyết tâm kiên trì chủ trương ký kết hiệp ước Liên Bang mới (Liên Bang lỏng lẻo, tự do), nhưng tất cả tình hình diễn biến dồn dập, đột ngột, nhanh chóng kể trên đã tạo nên sức ép nặng nề đến độ buộc M.Gorbachov phải tuyên bố từ chức Tổng Thống Liên Xô đêm 25/12/1991 khi ông phát biểu ý kiến với nhân dân Liên Xô trên đài truyền hình Moxkva về tổ chức “cộng đồng các quốc gia độc lập”.
Thế là Liên Bang Xô Viết chấm dứt tồn tại và Tổng Thống Liên Xô M.Gorbachov cũng không còn, đi liền với sự ra đời của 15 nước Cộng Hòa độc lập, tự do trên mãnh đất Xô Viết cũ- 15 thành viên của Liên Hiệp Quốc. Vì vậy nhiều câu hỏi đã được đặt ra: “thế giới sẽ đi về đâu ? Chuyển động theo xu thế nào ? Trước đây hùng mạnh như Phát Xít Hitler mà không làm gì nổi Liên Xô, còn ngày nay tại Liên Bang Xô Viết và đảng cộng sản Liên Xô lại dễ dàng tan rã như vậy ?”.
Đúng! Chỉ trong mấy năm gần đây (1989-1991), thế giới biến đổi kỳ lạ và chưa từng có trong lịch sử. Sau năm 1945, cuộc chiến tranh lạnh với trên 40 năm tồn tại đã không ngừng thúc đẩy nhịp độ căng thẳng trên thế giới giữa Đông (xã hội chủ nghĩa) và Tây (TBCN) đến bờ vực thẳm của cuộc chiến tranh nóng thật sự, với quy mô toàn cầu đã vĩnh viễn chấm dứt (1990- 1991), mở ra một kỷ nguyên mới trong xã hội loài người- chuyển đối đầu sang đối thoại, hợp tác, hòa bình, dân chủ và phát triển.
Loài người đã thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua được cơn ác mộng triền miên nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 3, chiến tranh hạt nhân hủy diệt, chiến tranh không có kẻ thắng người bại khi nó kết thúc chỉ có loài người (người nghèo khổ, vua chúa, quan lại, triệu phú, tỉ phú, quân
đội, tướng lĩnh, công nhân, tư sản, người có đạo hay không có đạo…) sẽ bị tiêu diệt sạch sành sanh trên trái đất.
Hãy nghe Tướng Colin Powell – Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ- khi đến thăm Liên Xô (cũ) hồi tháng 7 năm 1991 đã tuyên bố tại Mockba rằng: “Trong điều kiện có hiệp ước Start- ký kết giữa Liên Xô và Mỹ trước đó: hai bên cam kết cắt giảm 30% vũ khí hạt nhân chiến lược- Liên Xô vẫn có khả năng tiêu diệt nước Mỹ chúng tôi trong vòng 30 phút” (Liên Xô cũ có tất cả 11.000 vũ khí hạt nhân chiến lược được bố trí ở mọi hướng, nhắm thẳng vào mọi kẻ thù của mình và trong tư thế sẵn sàng tiêu diệt chúng) và ngược lại, với sự cân bằng chiến lược cân bằng lực lượng quân sự giữa đôi bên (Liên Xô – Mỹ), Mỹ cũng có đủ khả năng tiêu diệt Liên Xô và đồng minh của Liên Xô (các nước xã hội chủ nghĩa) trong vòng 30 phút. Cho nên mọi chiến tranh thế giới 3- chiến tranh hạt nhân huỷ diệt- nổ ra và kết thúc sẽ không có kẻ thắng người bại như mọi cuộc chiến tranh thông thường khác là trong ý nghĩa khủng khiếp đó.
Mặc dù thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Liên Xô (cũ) tan rã: xung đột võ trang, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, phe phái đối nghịch nhau giành quyền lãnh đạo (ở Nam Tư cũ, giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni, ở Grudia, ở Áp-ga-ni-xtan, Ắng-gô-la, Xô-ma-li…v…v..),
cả sự nổi dậy của bọn tân phát xít ở Đức, Ý, Tây Ban Nha… vẫn không thể làm đảo ngược được xu thế lớn, dòng chảy của thời đại: đối thoại hợp tác, hòa bình, dân chủ và phát triển. Cụ thể là trong thời gian xảy ra những cuộc xung đột kéo dài nói trên, Trung Quốc với dân số 1 tỷ người, từng giành thắng lợi lớn trong 14 năm cải cách kinh tế và mở cửa, đã tích cực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm tạo ra một môi trường thế giới thuận lợi cho yêu cầu phát triển toàn diện đất nước Trung Hoa- đất nước có vị trí, vai trò to lớn góp phần ổn định hòa bình ở Châu Á và thế giới.

Do đó, từ những năm 1990 đến 1992, các đoàn đại biểu cao cấp của Trung Quốc đã có nhiều cuộc đi thăm hữu nghị các nước Đông Nam Á (Asean), Đông Ấu cũ, Châu Phi, Tây Ấu, Châu Mỹ la tinh, thăm Cộng Hòa Liên Bang Nga và một số nước thuộc Cộng Hòa Liên Xô cũ, thăm Ần Độ, Nhật Bản, mời vua Nhật sang thăm hữu nghị Trung Quốc (cuối năm 1992) đặc biệt đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Triều Tiên (Nam Triều Tiên) hồi tháng 08/1992 điều tối kỵ đối với nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đã từng hy sinh hàng triệu người trong cuộc chiến tranh kháng Mỹ viện Triều năm 1951, và hiện nay đã và đang phát triển quan hệ buôn bán với Nam Triều Tiên gấp bội so với Bắc Triều Tiên xã hội chủ nghĩa : ngoài ra, Trung Quốc cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa I-xra-en từ lâu được coi là “kẻ thù không đội trời chung”.
Theo xu thế đó, Trung Quốc cũng đã khôi phục lại quan hệ với nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN đã từng là kẻ thù của chính họ, vào cuối năm 1991.
Ngoài ra những cuộc xung đột võ trang, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, phe phái thù địch giành quyền lãnh đạo diễn ra nơi này, nơi khác trên thế giới cũng không thể ngăn cản được nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN hòa nhập vào cộng đồng các nước trên thế giới nói chung và khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói riêng. Nhiều đoàn đại biểu cấp cao của VN đã đi thăm hữu nghị các nước Asean- vùng cấm kỵ lâu nay đối với VN, và theo yêu cầu của mình, VN đã được tham gia hiệp ước Ba-li, trở thành thành viên (dự bị- quan sát viên) của hiệp hội các nước Asean (Đông Nam Á), đi thăm Ần Độ, Cộng Hòa Liên Bang Nga và một số nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ, thăm một số nước Tây Ấu, Bắc Ấu, cải thiện quan hệ với Nhật, thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Triều Tiên (12/1992), đặc biệt đã cố gắng quên đi dĩ vãng không mấy tốt đẹp, khôi phục lại quan hệ láng giềng thân thiện với nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa thông qua chuyến đi thăm hữu nghị nước này của đoàn đại biểu cấp cao của đảng và chính phủ VN do các ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt hồi đầu cuối năm 1991. Quan hệ bình thường giữa Trung Quốc và VN được khôi phục lại đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thế giới.

Qua các chuyến thăm hữu nghị các nước nói trên của VN, các hiệp định tay đôi về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đã được ký kết; đó là những điều kiện tối cần thiết cho sự phát triển toàn diện của đất nước VN.
Hơn một năm qua, hội nghị hòa bình Trung Đông đã gặp nhiều khó khăn, tiến triển rất chậm nhưng phải thừa nhận rằng nó có những tiến bộ nhất định kinh qua 8 vòng đàm phán (thảo luận về khu vực tự trị của người dân Palestine ở vùng bị chiếm đóng). Công cuộc thương lượng hòa bình giữa Nam và Bắc Triều Tiên tuy có nhiều trở ngại, khó khăn lớn thậm chí có lúc bế tắc nhưng nó cũng đã đạt được những kết quả quan trọng: 2 miền Nam, Bắc triều Tiên cùng một lúc đã là thành viên của Liên Hiệp Quốc, hai bên đã ký kết hiệp ước bất tương xâm lược và thống nhất chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Công cuộc thanh sát cơ sở hạt nhân giữa hai miền đã và đang trở ngại lớn của tiến trình hòa đàm và thống nhất đất nước Triều Tiên. Song sự nghiệp hòa bình thống nhất Triều Tiên và nguyện vọng sâu xa và là mục tiêu cấp bách không thể đảo ngược được của nhân dân ở hai miền Nam Bắc.
Mặc dù Khơ-me-đỏ ra sức phá hoại hiệp định hòa bình Pari về Cam-pu-chia, trắng trợn thách thức với Liên Hiệp Quốc và dư luận thế giới, nhưng bọn chúng nhất định sẽ thất bại, không thể đảo ngược được xu thế đi lên của đất nước Cam-pu-chia: chấm dứt chiến tranh, hòa bình, hòa hợp dân tộc, kiến thiết đất nước, thực hiện kinh tế thị trường và dân chủ đa nguyên. Công cuộc giải trừ quân bị nói chung và giải trừ vũ khí hạt nhân chiến lược nói riêng vẫn được tiếp tục thương lượng để thi hành giữa Nga và Mỹ (đầu năm 1993) và cả thế giới đã nhất trí thủ tiêu vũ khí hóa học (12/1992) mặc dù đang có tình hình chuyển động mới về mua bán vũ khí các loại kể cả chất Pluto-nium trên thế giới gần đây vì lợi ích củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế của mỗi nước.
Mỹ bắt đầu đóng cửa nhiều căn cứ quân sự ở Châu Ấu, rút hết quân khỏi căn cứ hải quân Subic lớn nhất ở Châu Á Thái Bình Dương (12/1992) sau khi bỏ căn cứ không quân Clark khổng lồ ở Pli-líp-pin (do tác động của núi lửa Pinatubo). Tất cả tình hình diễn biến phức tạp trên vẫn là nổi bật lên xu thế của thời đại, dòng thác chính của thế giới ngày nay sau khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt: đối thoại, hợp tác, hòa bình, dân chủ và phát triển.

Đơn yêu cầu đưa ra xét xử công khai vụ án “xét lại chống Đảng” của công dân Phạm Thị Tề

Kính gửi:
- Ông chánh án toà án nhân dân tối cao.
- Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng kính gửi:
- Ông chủ tịch Quốc hội.
- Ông tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
- Ông Thủ tướng Chính phủ.
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, các cơ quan truyền thông, các bạn tù Sơn La, họ hàng và bạn hữu... (Để biết và cho ý kiến)
Kính thưa các quý ông,
Tôi là Phạm Thị Tề, 83 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu
Hiện ngụ tại 5 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tôi làm đơn này yêu cầu các cơ quan pháp luật nhà nước đưa ra xét xử công khai vụ án phi pháp: “Vụ xét lại chống Đảng” (còn gọi là vụ Hoàng Minh Chính), mà chồng tôi là một trong những nạn nhân.
Chồng tôi – Vũ Đình Huỳnh – nguyên thành viên tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, nguyên đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (1930), nguyên bí thư cho chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên giám đốc công thương liên khu III - IV, nguyên vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ ngoại giao, nguyên Vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ, huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, nghỉ hưu từ 1964 và đã mất tại nhà riêng ở Hà Nội 03.05.1990.
Tháng 10.1967, do có những bất đồng quan điểm với nghị quyết IX của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhà tôi bị bắt giam cùng với hàng chục cán bộ trung, cao cấp khác, bị biệt giam 6 năm, quản thúc 3 năm, tới 1975 mới được thả về.
Tất cả các cuộc bắt bớ, giam cầm này đều thực hiện một cách bí mật, hoàn toàn trái với pháp luật. Tất cả các nạn nhân đều bị đưa đi biệt giam trong nhiều năm mà không hề có một toà án nào xét xử, không hề được biện minh cho mình như luật định.
Gần 30 năm đã trôi qua mà vụ án phi pháp này vẫn bị vùi trong bóng tối, khi mà ông Lê Đức Thọ – trưởng ban “kết tội và xét án” của Ban chấp hành Trung ương Đảng, người chịu trách nhiệm chính trong vụ này – cũng đã chết.
Tôi lấy ông Huỳnh vì yêu mến lý tưởng mà ông ấy theo đuổi: đấu tranh chống chế độ thực dân để giành quyền độc lập tự do cho dân tộc. Trong những năm trước Cách mạng, gia đình tôi là cơ sở tin cậy của Đảng tại Hà Nội. Một mình tôi vừa làm ăn buôn bán nuôi con, chu cấp cho chồng và đóng góp cho tổ chức, tôi luôn tin vào ngày nước nhà độc lập.
Cách mạng thành công, nhà tôi được Bác Hồ chọn làm bí thư riêng và đã giúp Bác đắc lực trong những năm sau đó. Kháng chiến bùng nổ, theo Đảng, theo Bác, gia đình tôi bỏ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, rồi phiêu bạt xuống Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá. Tuy khó khăn gian khổ về vật chất nhưng lại là những năm tháng thật đẹp: không có đặc quyền, đặc lợi, cấp trên cấp dưới đâu ra đấy mà vẫn thương yêu nhau hết mực...
Năm 1954, hoà bình lập lại, gia đình tôi trở về Hà Nội mà lòng tràn ngập tin tưởng và vui sướng. Ước mong mà cả gia đình theo đuổi đã thành sự thật. Cuộc sống đã mở ra viễn cảnh tốt đẹp cho gia đình tôi.
Sau này, tôi cũng được nghe đôi điều về những bất đồng với lãnh đạo của ông Huỳnh trong vụ Cải cách ruộng đất, trong Cải tạo công thương nghiệp, trong Nhân văn Giai phẩm. Tuy nhiên, ông Huỳnh cùng gia đình vẫn được sống yên ổn trong suốt thời gian đó. Sau nghị quyết IX của BCH Trung ương Đăng (9.1963), ông Huỳnh và một số cán bộ trung cao cấp khác lại có bất đồng. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, như bàn tay có ngón dài, ngón ngắn.
Tôi không thể ngờ vào đêm 18.10.1967 tai hoạ đã giáng xuống gia đình tôi. Công an ập vào bắt giữ chồng tôi và sau khi lục soát đã đem đi tất cả những tấm ảnh nhà tôi chụp chung với Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, ở phố Hàng ngang những ngày Bác viết Tuyên ngôn Độc lập, ở Paris khi nhà tôi được Bác phong Đại tá cận vệ trong phái đoàn dự Hội nghị Fontaitlebleau. Vào thời điểm bị bắt, nhà tôi đã nghỉ hưu được 3 năm.
Ai có thể hiểu được nỗi cay đắng của tôi lúc đó? Một người phụ nữ hai lần chứng kiến cảnh bắt bớ chồng mình ở hai chế độ đối kháng nhau: lần thứ nhất (1940) bị bắt và kết án 3 năm tù khổ sai tại nhà tù Sơn La vì can tội hoạt động chống đối chế độ thực dân, lần thứ hai (1967) bị bắt và đưa đi biệt giam – không có án – ngay trong chế độ Dân chủ Nhân dân, một chế độ mà chính ông ấy đã góp xương máu tạo dựng nên, một chế độ “Một triệu lần dân chủ hơn chế độ tư bản”.
Rồi “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, vài tháng sau ngày ông Huỳnh bị bắt, con trai tôi – Vũ Thư Hiên, biên tập viên Báo ảnh Việt Nam – cũng bị bắt trên đường về nhà, cũng bị biệt giam, cũng chẳng có một tòa án nào xét xử xem nó phạm tội gì? Hai bố con bị biệt giam mỗi người một nơi. Vũ Thư Hiên sau đó bị nhốt chung với tù hình sự. Đến 1976, sau 9 năm bị giam giữ không có án, con tôi mới được tha về.
Những năm sau đó, báo chí bị cấm không được nhắc tới cái tên Vũ Đình Huỳnh, cấm không được đăng ảnh Bác Hồ mà trong ảnh đó có ông Huỳnh. Các báo và các nhà xuất bản bị cấm không cho cái tên Vũ Thư Hiên được xuất hiện trên sách báo – dù chỉ là dịch giả “truyện ngắn Pautopxki” (tập truyện này theo yêu cầu của nhiều độc giả, đã được tái bản dưới tên Kim Ân, là vợ của Thư Hiên) – rồi một vài truyện ngắn của Thư Hiên được liệt vào “dòng văn học tư sản phản động”?!
Tai họa liên tục giáng xuống gia đình tôi: cả chồng, cả con đều bị bắt. Lương hưu của nhà tôi, lương của con tôi bị cắt. Còn lại tôi với chín đứa con và một đàn cháu phải sống trong cảnh thiếu thốn khốn cùng. Nhưng thiếu ăn, thiếu mặc không khủng khiếp bằng nỗi khổ tinh thần: bạn mình, bạn chồng xa lánh vì sợ liên lụy, con cái bị trù dập. Nhà tôi trước đây lúc nào cũng đông khách mà sau đó chẳng còn ai lai vãng. Không khí khủng bố nặng nề, công an mật theo dõi ngay trước cửa 24/24 thì thử hỏi còn ai dám đến thăm?
Để duy trì cuộc sống cho gia đình và có điều kiện thăm nuôi chồng con, tôi phải bán dần đồ đạc, tài sản: xe cộ, bàn ghế, giường tủ... Đến khi cùng đường, không còn một thứ gì có thể bán được nữa, tôi đành phải bán nốt tài sản cuối cùng của mình là ngôi nhà số 8 ngõ Tràng An, nhà này tôi mua từ trước Cách mạng (lúc bán được 2 cây vàng, nếu để lại đến nay đã có giá 100 cây). Ngôi nhà mà hiện nay gia đình tôi đang sống (5, Hai Bà Trưng) là nhà của anh ruột tôi cho ở nhờ và quản lý hộ.
Thế là sau mấy chục năm trời bỏ cả tín ngưỡng, nhà cửa, tài sản hăng hái theo Đảng, theo Cách mạng, những tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nào ngờ tai bay vạ gió, gia đình tôi rơi vào cảnh trắng tay: không nhà cửa, không tài sản, danh dự bị bôi nhọ, bị vu oan là “chống Đảng – phản Cách mạng”.
Năm 1972, nhà tôi được tạm tha, nhưng không cho về Hà Nội mà bị buộc quản thúc tại Nam Định. Gian truân nối tiếp gian truân, nhưng cũng còn may mắn hơn một số người khác, không đến nỗi phải bỏ xác trong tù như ông Phạm Viết, hoặc được tha về để chết tại gia như ông Phạm Kỳ Vân (những người này cũng bị quy vào nhóm “chống Đảng” nói trên).
Đến năm 1975, nhà tôi mới được tha hẳn về Hà Nội để sống nốt những năm tháng cuối đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng 03.05.1990.
Những lần gặp ông Lê Đức Thọ trong tù, chồng tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình và một mực yêu cầu ông Lê Đức Thọ phải đưa vụ này ra công khai, xét xử theo Hiến pháp và pháp luật, không thể vin vào cớ “bảo vệ Đảng chỉ xử lý nội bộ” để bắt và giam giữ những người chưa được pháp luật định tội.
Trong những ngày cuối đời mình, ông Lê Đức Thọ có cho người đến đón nhà tôi lên gặp. Nhưng khi đó ông Huỳnh đã rất yếu, điếc nặng, trí nhớ giảm sút. Sau đó ông Thọ mời tôi đến. Trong câu chuyện, ông tỏ ý sẽ giải quyết riêng việc khôi phục danh dự cho nhà tôi trước. Tôi cảm ơn nhưng không chấp nhận vì vụ này liên quan đến nhiều người, không thể giải quyết riêng rẽ như vậy được. Tôi nói với ông Thọ: “Anh giải quyết như vậy thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thấy những người bị oan ức khác”. Rõ ràng ông Thọ vẫn cho mình cái quyền tối thượng – nhân danh Đảng – tùy tiện bắt và giam giữ những người mà ông ấy cho là chống đối, rồi lại định khôi phục danh dự cho một cá nhân nào đó – coi như một sự ban ơn – mà chẳng cần đến luật pháp nào hết.
Không phải một mình ông Huỳnh nhà tôi chịu cảnh đọa đày, các con tôi cũng phải chịu vạ lây hết sức vô đạo lý. Có hẳn những chỉ thị bằng văn bản từ Ban tổ chức Trung ương Đảng đưa xuống các cơ quan, hướng dẫn cần phải o ép con em những người trong “nhóm chống Đảng” như thế nào. Thiết nghĩ, chỉ kém cái kiểu “tru di tam tộc” dưới thời phong kiến không nhiều lắm.
Dù có viết hàng nghìn trang giấy cũng không nói hết những nỗi khổ ải, nhục nhằn, những gánh nặng oan khiên, day dứt của những người trực tiếp và gián tiếp bị dính vào vụ “xét lại chống Đảng”.
Hiến pháp và pháp luật, quốc hội và tòa án, chính quyền dân chủ nhân dân và nhân quyền đã được ghi thành văn bản giấy trắng mực đen, là thành quả được đổi bằng núi xương sông máu của hàng triệu cán bộ đảng viên đã bị ông Lê Đức Thọ chà đạp không thương tiếc.
Ông Lê Đức Thọ đã nhân danh đảng hành động như một nhà độc tài vô nhân đạo với ngay những người bạn, những người đồng chí đã cùng nhau chia sẻ gian lao trong nhà tù đế quốc, những đồng chí đã cưu mang chính bản thân mình trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc – chỉ vì họ đã suy nghĩ không giống mình và đã dám nói ra những suy nghĩ ấy. Thật là đau đớn và tôi nghĩ nỗi đau đó làm se lòng hàng triệu trái tim yêu Tự do và Công lý.
Tôi oán ông Lê Đức Thọ vô cùng, tôi cho rằng ông ấy là người độc ác và hạn hẹp về trí tuệ. Tôi càng uất ức hơn khi chồng tôi mất đi mà không kịp nhìn thấy ngày sự thật được đưa ra ánh sáng. Nhưng sau khi ông Thọ mất đi mà chẳng thấy những người kế tục lãnh đạo Đảng đưa vụ này ra công khai thì tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi đồ rằng căn nguyên của vụ án này, cũng như biết bao vụ án khác chưa từng được bất kỳ tòa án nào xét xử, không phải ở một cá nhân Lê Đức Thọ. Căn nguyên của tất cả những vụ oan ức nói trên là hậu quả của sự độc quyền lãnh đạo của một số cán bộ cấp cao của Đảng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tại sao ở nước Mỹ, một đất nước “đầy bất công và bạo lực, chỉ có dân chủ cho một số ít giai cấp tư sản...” mà người ta vẫn có thể đưa một vị tổng thống ra toà vì bị phát hiện là phạm pháp? Còn ở nước ta, trong một chế độ “một triệu lần dân chủ hơn” pháp luật lại không đụng đến lông chân người lãnh đạo cao cấp khi chính người này phạm pháp? Chúng ta đang sống trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX hay đang sống giữa thời trung cổ, khi người ta chỉ kết án một tên đao phủ, còn đối với một “quý ông đao phủ” thì không?
Sau khi nhà tôi mất, ông Lê Đức Thọ có gửi thư chia buồn đến gia đình tôi. Ông Thọ viết: “Tôi rất thương và nhớ anh, anh là đồng chí tốt, khuyết điểm trong thời gian qua chỉ là nhất thời. Lúc anh ra tù trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khi mới giành được chính quyền anh đã có công đóng góp phần mình vào công tác chung của Đảng. Đảng không bao giờ quên những đóng góp của anh trong thời gian đó”.
Có thể hiểu như thế nào về những điều ông Lê Đức Thọ đã viết trên?
Nếu như ông Huỳnh có “khuyết điểm” như ông Thọ đã nói, thì với tư cách một đảng viên, ông Huỳnh phải chịu kỷ luật của chi bộ Đảng nơi ông sinh hoạt dưới các hình thức: phê bình, cảnh cáo, khai trừ lưu Đảng đến khai trừ vĩnh viễn khỏi Đảng. Việc bắt người và giam giữ là việc của các cơ quan Pháp luật Nhà nước, sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo luật định: khởi tố, lập tòa án xét xử và kết án.
Vậy vì lẽ gì mà chồng tôi, con tôi bị bắt, bị giam giữ gần cả chục năm trời không có án?
Vì bất đồng quan điểm, vì “tư tưởng lệch lạc” chăng? Chỉ vì những điều này thì chưa kết tội được bất kỳ ai.
Vì “xét lại” chăng? Thế nào là “xét lại” ?
Vì “phản Đảng – phản Cách mạng” chăng? Liệu có thể khép lội ông Huỳnh và các nạn nhân khác vào điều luật nào trong Bộ luật tố tụng hình sự?
Nếu đã có thể khép tội nhà tôi và các nạn nhân khác theo pháp luật thì ông Thọ chẳng dại gì không sử dụng bộ máy hành pháp.
Nhưng theo lệnh của ông Lê Đức Thọ, việc bắt và giam giữ hàng loạt cán bộ vẫn được thực hiện trong bí mật.
Đó chính là điều phi pháp trong hành động của ông Lê Đức Thọ. Và đương nhiên, khi những người lãnh đạo cấp cao của Đảng không tôn trọng pháp luật, dẫn đến tình trạng bất công xã hội thì lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân vào Đảng bị xói mòn nghiêm trọng, dẫn tới việc Hiến pháp và pháp luật chưa bao giờ được thực hiện nghiêm chỉnh.
Sau Đại hội VI của Đảng, cánh cửa dân chủ đã hé mở. Ông Huỳnh lại có thư gửi tới nguyên tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – Nguyễn Văn Linh – một lần nữa yêu cầu ông Linh đưa vụ này ra ánh sáng.
Nhưng chỉ có sự im lặng từ phía những người cầm quyền, như thể yêu cầu của ông Huỳnh được gửi vào cõi hư vô.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, tình hình đã có nhiều thay đổi. Năm 1992 Hiến pháp mới ra đời cùng hàng loạt các bộ luật khác trong nhiều lĩnh vực. Báo chí và các cơ quan truyền thông thường xuyên kêu gọi nhân dân “hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Đất nước có nhiều chuyển biến trong thời mở cửa. Đảng đã chấp nhận một xã hội đa thành phần kinh tế, đó là nền tảng của một thể chế dân chủ.
Nghe nói, sang năm 1994, Đảng và nhà nước chủ trương xây đựng một nhà nước pháp quyền dân chủ, chủ trương đoàn kết và hòa hợp dân tộc, kêu gọi tất cả các dân chúng Việt Nam ở trong và ngoài nước – bất kể chính kiến – cùng nhau góp sức xây dựng đất nước có công bằng xã hội và giàu mạnh.
Ông Lê Đức Thọ đã chết, song không phải vì thế mà vụ này vẫn tiếp tục bị vùi trong bóng tối. Không chỉ riêng chúng tôi, những người trực tiếp và gián tiếp là nạn nhân trong vụ này, mà tất cả những người có lương tri và yêu công lý đều yêu cầu đưa vụ này ra ánh sáng.
Giải oan cho những người bị oan ức là việc cần phải làm và không bao giờ muộn, nó sẽ đem lại lòng tin cho cả triệu người vào Đảng và Nhà nước. Xưa, vụ án oan ức “Lệ chi viên” đã đẩy Nguyễn Trãi và tất cả những người ruột thịt của ông vào cảnh “tru di tam tộc”: hơn hai mươi năm sau, vua Lê Thánh Tông lập đàn giải oan cho ông, để lại tiếng thơm muôn đời.
Vì đó là việc làm nhân nghĩa và hợp đạo lý.
Tôi khẩn thiết kêu gọi tình người nơi các ông – từ trái tim rỉ máu bởi nỗi đau oan ức của tôi, các con tôi và những nạn nhân khác. Tôi hy vọng các ông là những người có trái tim cũng biết đau nỗi đau đồng loại, hy vọng các ông là những con người có trí tuệ công minh và có đầy đủ nhân cách dân chủ.
Ông Vũ Đình Huỳnh – chồng tôi – một trong những nạn nhân của vụ “xét lại chống Đảng” đã chết. Còn tôi đã 83 tuổi, cuộc sống chỉ còn đếm từng ngày. Tôi làm đơn này không chỉ yêu cầu các cơ quan pháp luật đưa ra công khai vụ “xét lại chống Đảng”, xác định trắng đen rõ ràng, giải toả oan ức cho chồng tôi và những nạn nhân khác, mà còn hy vọng góp sức lực cuối cùng của mình vào quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ thực sự.
Tôi hoàn toàn không muốn lá đơn này lại được trả lời bằng sự im lặng. Và nếu cái sự không mong muốn ấy lại đến, thì tôi đành phải nói với các con tôi rằng: “Chưa có dân chủ thật sự đâu, các con ạ”.
Và các con tôi sẽ lên tiếng. Nếu cả mười đứa con tôi chết đi mà vụ này vẫn chưa được đưa ra công khai, thì đời cháu tôi và những thế hệ sau chúng sẽ tiếp tục đòi hỏi yêu cầu chính đáng này trong sự truyền nối.
Cuối cùng, xin gửi tới các ông lời chào trân trọng.
Hà Nội ngày 20 tháng 02 năm 1994
Nguyên đơn
Công dân Phạm Thị Tề
05, Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Gian nan một hội chưa thành

Đầu năm 1990, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo về đa nguyên, đa đảng do ông Trần Xuân Bách, lúc ấy làm thường trực Ban bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì. Cuộc hội thảo có sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học, chính trị tham gia.

Khi ấy, tôi làm Ủy viên thường trực của tờ Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tôi cho đăng tin về cuộc hội thảo này, bản tin do văn phòng của Liên hiệp gửi, số tháng 03/1990.

Chuẩn bị ra số tháng 4/1990, tôi nhận được bài: Bàn về dân chủ đa nguyên của ông Đỗ Đức Dục vốn là Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam viết cho. Do sự hiểu biết về dân chủ đa nguyên của tôi kém, nên tôi đưa bài ấy nhờ Giáo sư Trần Văn Giàu, lúc ấy là Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xem hộ. Giáo sư Trần Văn Giàu đọc xong đưa cho tôi và khen bài rất hay. Tôi cho đăng trong số 4/1990.

Ngay sau khi số báo ra đời, thì tôi được công an đến giao cho quyết định thu hồi cả 2 số báo 3/1990 và 4/1990 và khởi tố Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc. Liên tiếp sau đó, tôi và ông Tổng biên tập phải đến công an thẩm vấn nhiều lần. Tuy nhiên, sau họ hủy bỏ vụ án.

Còn ông Trần Xuân Bách thì sau vụ việc này bị mất chức tất cả, trở về làm đảng viên thường và nhà vốn ở phố Phan Đình Phùng cũng không được ở nữa mà phải về Trung Tự-ngoại ô của Hà Nội.

Năm 2001, Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê cùng bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đã viết xong cuốn “Đối thoại năm 2000” theo đề nghị của ông Nguyễn Minh Triết, khi ấy là Bí thư thành ủy của Sài Gòn, ra Hà Nội viết “Đối thoại 2001”. Ngày 2/9/2001, tôi mời ông Trần Khuê, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, cùng một số người quí mến ông Trần Khuê, trong đó có cả ông Hoàng Minh Chính, nhà văn Hoàng Tiến, v.v…đến nhà ăn cơm trưa.

Mọi người đến từ sớm, chuyện trò rôm rả. Hôm ấy, các báo lại đăng bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh 2/9 của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Phan Văn Khải. Các ông ấy kêu tham nhũng đã trở thành quốc nạn và kêu gọi nhân dân phải tham gia chống tham nhũng. Cùng nhau đọc những bài báo ấy, mọi người bảo nhau nên làm đơn xin thành lập “Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng”, gọi gọn là “Hội chống tham nhũng”. Tất cả đều tán thành. Tôi làm ngay đơn, mọi người thông qua, tôi đánh máy ngay và đề nghị 2 người ký tên. Đại diện miền Nam là ông Trần Khuê, đại diện miền Bắc là ông Hoàng Tiến. Khi Hội được phép thành lập thì tôi sẽ xin ra báo Chống tham nhũng và phụ trách tổ báo ấy. Nhưng mọi người bảo, tôi là đại diện miền Bắc, ông Trần Khuê đại diện miền Nam. Nghe theo đa số, tôi cùng ông Trần Khuê ký tên ngay và tôi ra bưu điện gửi ngay thư bảo đảm lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Vậy mà ngày 5/9/2001, tôi bị triệu tập liên tục ra công an phường để thẩm vấn về vụ việc này trong mấy ngày liền tiếp. Và những hôm đó, bất cứ ai đến nhà tôi chơi đều bị bắt ra công an phường. Ông Trần Khuê có việc sang Gia Lâm thì bị bắt và trục xuất ngay không được quay về Hà Nội và buộc phải vào ngay Sài Gòn.

Ngày 22/12/2002, tôi vào Sài Gòn theo yêu cầu của ông Đạo sư Duy Tuệ là Chủ tịch danh dự của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng đạo Phật bàn về việc đòi Tử Dương Vọng Đình ở số 8 phố Hàng Buồm- Hà Nội, là nơi thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Trung, anh cả của Đức Thánh – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã cùng vua Trần Nhân Tông thành lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi đình này bị một cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam chiếm từ 1955. Mấy chục năm dân làng Tử Dương ở Hà Nội đi đòi đều không được giải quyết. Ủy ban Nhân dân bảo phải qua Tòa án Nhân dân. Tòa án Nhân dân bảo phải do Ủy ban Nhân dân giải quyết. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu ứng dụng đạo Phật tham gia giúp nhân dân đòi đình cũng không xong. Cùng đi với tôi có bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu, Biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, người đã giúp xuất bản cuốn sách “ Làng Tử Dương qua di sản văn hóa Hán Nôm”. Cuốn sách này in xong cũng bị thu hồi vì liên quan đến đòi Tử Dương Vọng Đình .

Vào Sài Gòn, sau khi làm việc với Đạo sư Duy Tuệ, tôi đến thăm ông Trần Khuê hai lần. Lần đầu thì không có vướng mắc gì, ông Trần Khuê đưa cho tôi danh sách 16 người ủng hộ việc đề nghị Đảng và Nhà nước cho thành lập “Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống Tham nhũng”. Lần thứ hai, tôi cùng bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu đến thăm thì công an giữ ngay ở cổng nhà ông Trần Khuê vì hóa ra là ông Trần Khuê đang bị quản chế theo nghị định 31/CP. Một buổi chiều chúng tôi bị thẩm vấn và làm biên bản. Bà xã nhà tôi, cô ấy bảo công an là nếu ai bị quản chế thì phải có giấy dán ở cửa và cấm không cho người đến thăm, nếu như thế này thì đất nước có gì là luật pháp.

Chiều 28/12/2002, tôi cùng bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu ra ga Sài Gòn để về Hà Nội. Đến cổng ga thì chúng tôi bị công an giữ lại kiểm tra hành lý. Họ lục lọi mọi đồ vật. Tất cả không có gì chỉ có bản danh sách 16 người ủng hộ việc đề nghị Đảng và Nhà nước cho thành lập “ Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống Tham nhũng”. Họ nói tài liệu phản động đây rồi (!?). Và cả ba người chúng tôi đều bị đưa về giữ qua đêm ở đồn công an quận. Ngày hôm sau thì bị đưa vào trại tạm giam. Bà xã nhà tôi thì bị 11 ngày. Ông Bùi Thu bị 9 ngày. Còn tôi thì bị đưa ra trại giam Hà Nội ngày 12/1/2003, ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, gọi là trại giam B14. Phòng giam là một căn buồng khép kín, không biết ánh sáng mặt trời ra sao, suốt ngày đêm sống dưới ánh sáng đèn nê-on, không được mang đồng hồ, nên không biết giờ giấc là gì. Sau 18 tháng rưỡi giam cầm và tra cứu thẩm vấn, ngày 14/7/2004, tôi ra Tòa xử với tội danh “ Lợi dụng dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tại phiên tòa, tôi phản bác hoàn toàn Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân. Hai lần tôi thách Công tố viên tranh luận những nội dung kết tội tôi trước ống kính máy quay truyền hình. Vậy mà Tòa vẫn xử tôi 19 tháng tù giam và khi về nhà đọc báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thấy báo đăng bài viết là tại tòa tôi nhận hết tội.

Ngay sau ngày tôi bị bắt thì hôm sau ông Trần Khuê cũng bị bắt và bị kết án 19 tháng như tôi.

Tôi viết lại những sự việc trên đây để các bạn có thể phần nào thông cảm được với Đảng Cộng Sản Việt Nam, họ rất sợ Đa nguyên Đa Đảng và rất sợ các Hội do nhân dân tổ chức ra mặc dầu có xin phép đầy đủ theo như Công ước Nhân quyền Quốc tế mà họ đã ký kết, cũng như Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng ghi nhận. Nhưng tôi tin rằng, trước sau, dù họ có còn sợ hay không, Việt Nam cũng sẽ có Đa nguyên, Đa Đảng và các Hội của nhân dân cũng sẽ được tự do thành lập vì tất cả những điều đó chỉ có lợi cho toàn thể nhân dân, trong đó có cả chính những người Cộng sản và con cháu của họ.


Phạm Quế Dương

Thang nay dang ham he voi ai ?





 Thang nay dang ham he voi ai ?

Bài bào chữa cho chồng

Bài bào chữa cho chồng
Kính gửi: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.
Hội đồng xét xử.
Ông thẩm phán – chủ toạ phiên toà
Tôi tên là: Bùi Thị Kim Ngân - Nghề nghiệp: Kế Toán
Địa chỉ: Số nhà 26 tổ 67 B -Vĩnh Tuy – Hai bà Trưng- Thành phố Hà Nội.
Chồng tôi là: Nguyễn Vũ Bình, sinh ngày 2 tháng 11 năm 1968, nguyên là biên tập viên Tạp chí Cộng sản, bị cơ quan an ninh bắt ngày 25 tháng 9 năm 2002. Từ đó đến nay hơn 15 tháng chưa một lần được gặp vợ, con cũng như người thân thích, sẽ bị đưa ra xét vào ngày 31 tháng 12 năm 2003 với tội danh ghi trong cáo Trạng: Tội gián điệp.
Thưa ông thẩm phán: Lê Thanh Bình – Chủ toạ phiên toà xét xử vụ sơ thẩm ông Nguyễn Vũ Bình.
Sau khi được biết Viện Kiểm soát nhân dân thành phố Hà Nội khép tội chồng tôi vi phạm vào điều 80 Bộ luật hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam- tội gián điệp. Cụ thể trong cáo trạng có ghi như sau:
1- Do có tư tưởng dân chủ đa nguyên, 2 tháng 9 năm 2000 –Bị cáo Nguyễn Vũ Bình đã viết đơn xin thành lập Đảng tự do dân chủ nhằm xây dựng lực lượng chống lại Đảng Cộng sản.
2- Năm 2001 liên hệ với các phần tử phản động, bất mãn như: Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương … để trao đổi viết bài nói xấu Đảng.
3- Ký tên xin thành lập " Hội nhân dân Việt nam chống tham nhũng ".nhằm mục đích xây dựng lực lượng chống Đảng…
4- Móc nối với một số đối tượng phản động bên ngoài cung cấp tin tức, trao đổi về tình hình dân chủ cũng như vi phạm nhân quyền hiện nay ở Việt nam, nhằm mục đích nói xấu và chống phá nước CHXHCN Việt Nam.
5- Viết bài về vấn đề biên giới Việt Trung, cung cấp tin tức nhằm phá kế hoạch chuẩn bị ký kết vấn đề biên giới giữa Việt Nam - TQ.
6- Viết Bản điều trần về tình trạng nhân quyền tại Việt nam gửi cho Quốc hội Mỹ
7- Nhận tiền của nước ngoài.
Tôi: Bùi Thị Kim Ngân, với tư cách là vợ, người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Vũ Bình tôi xin được làm bào chữa viên nhân dân cho chồng tôi – Nguyễn Vũ Bình.
1. Viết đơn xin thành lập Đảng tự do dân chủ – Sau khi phân tích, đánh giá, nhận thức thấy nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. mong muốn giảm thiểu những tổn thất nhân dân phải gánh chịu, nên đã viết đơn xin thành lập Đảng Tự do – Dân chủ.
Lá đơn ông Nguyễn Vũ Bình viết đã gửi tới các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam một cánh công khai và xin phép đàng hoàng. Điều 67 Hiến pháp Việt Nam " Công dân có quyền tự do lập hội … "
Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó ” – Vì vậy không thể kết kết tội ông Nguyễn Vũ Bình Vào tội gián điệp. Chính cơ quan an ninh và Viện kiểm soát đã vi phạm hiến pháp, cố tình làm sai hiến pháp.
Mặt khác theo tôi được biết việc muốn thành lập Đảng phải có cương lĩnh, điều lệ, phương thức hoạt động. Ông Nguyễn Vũ Bình chưa có các điều kiện trên chưa thể lập được Đảng. Qui tội gián điệp ở đây là vô căn cứ.
Lịch sử Việt Nam cũng đã từng có Đảng dân chủ. chính Đảng này đã tồn tại một thời gian tương đối dài và có nhiều đóng góp trong công cuộc cách mạng của Việt Nam. Những người cầm đầu Đảng dân chủ hiện nay vẫn giữ một số vị trí quan trạng của đất nước Việt Nam và để lại trong lòng người dân Việt Nam sự kính trọng và quý mến.
Tại sao Viện kiểm soát lại cho rằng việc thành lập Đảng dân chủ là xấu, là chống lại Đảng cộng sản? Có phải Viện kiểm soát quan liêu đã đưa ra những lời lẽ như trong cáo trạng.
2.Liên hệ với các phần tử chống Đảng, bất mãn …Tôi xin được hỏi điều luật nào cấm con người đi lại, quan hệ với nhau? Các Ông như Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang… có báo chí, cơ quan Truyền thông hoặc văn bản nào thông báo về tội danh cũng như hoạt động chống phá Đảng của các ông ấy không?
Các ông ấy thông tin nói xấu chính phủ như thế nào, mức độ và tác hại ra sao?Tại sao không thấy cho người dân đọc các bài nói xấu đó? Dựa vào chứng cứ này để kết tội ông Nguyễn Vũ Bình vào tội gián điệp là một việc làm hết sức quan liêu của cơ quan điều tra cũng như viện kiểm soát. Tôi xin bác bỏ.
3. Ký tên xin thành lập "Hội nhân dân chống tham nhũng "… Thưa hội đồng xét xử, trong bài viết Việt nam và con đường phục hưng đất nước, có đoạn ông Nguyễn Vũ Bình viết: "Tình hình tham nhũng trở thành quốc nạn tham nhũng đã được Đảng, Quốc hội và nhân dân thừa nhận”. Đó là cách đánh giá đúng đắn của ông Nguyễn Vũ Bình.
Chính vì nạn tham nhũng hoành hành nên mới có một số cán bộ cao cấp bị đưa ra toà như Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy trong vụ án Năm Cam. Gần đây nhất là bộ trưởng Bộ nông nghiệp và một số quan chức khác trong vụ Lã Thị Kim Oanh.
Từ nhận thức đó ông Nguyễn Vũ Bình cảm thấy nó nhức nhối như một khối ung nhọt, ông Nguyễn Vũ Bình muốn đóng góp trí tuệ, sức lực để gọt bỏ khối ung nhọt đó đi vì vậy mới ký kết vào lá đơn xin thành lập " Hội nhân dân chống tham nhũng ”.
Đây là một việc làm tích cực có mục đích tốt đáng được hoan nghênh, động viện khích lệ. Thì lại bị cơ quan an ninh và Viện kiểm soát vu cho là có động cơ xấu nhằm xây dựng lực lượng chống Đảng. Đề nghị hội đồng xét xử xem xét kỹ vấn đề đánh giá xem ông Nguyễn Vũ Bình hay cáccơ quan kia có mục đích xấu?
4.Móc nối với các phần tử bên ngoài…Ông Nguyễn Vũ Bình không móc nối, những người Việt kiều đó tự liên hệ và làm quen như trong bản cung đã khai.Trong luật có ghi tôi gián điệp là phải quan hệ cung cấp tin tức cho nước ngoài.
Trong từ điển định nghĩa: nước ngoài phải là một chính phủ, một quốc gia, một tổ chức của một đất nước khác nói tóm lại không phải là người Việt Nam, tổ chức của người Việt, hay chính phủ Việt nam.
Hơn nữa các cá nhân người Việt ở nước ngoài như ông Nguyễn Gia Kiểng, bà Ngô Thị Hiền, ông Nguyễn Ngọc Được, ông Trương Minh Dũng, ông Tấn Lực. Tôi chưa hề thấy chính phủ Việt Nam cũng như các quốc gia hiện nay họ đang cư trú có một bản án nào về những hoạt động bất hợp pháp của họ. Nếu ông Nguyễn Vũ Bình có quan hệ với họ thì cũng không thể kết tội ông Nguyễn Vũ Bình là Gián điệp.
Mặt khác việc trao đổi thư từ điện tử. Điều nào trong luật pháp cấm người dân sử dụng thư điện tử? Trong cáo trạng có ghi trao đổi thư điện tử để cung cấp tin tức cho họ chống phá nhà nước.
Tôi xin hỏi tổ chức nào đã chống phá nhà nước? Mức độ chống phá thế nào? Những tin tức đó không phải là tin tức bí mật. Những thư điện tử đó theo tôi đó chỉ là trao đổi quan điểm của mỗi cá nhân về vấn đề dân chủ và tình trạng nhân quyền mong muốn đi tới một tương lai tốt đẹp để có thể ngẩng cao đầu tự hào với năm châu bốn biển về đất nước Việt Nam cũng như con người Việt Nam.
Đó là những quan điểm tích cực. Tôi mong muốn các ông nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, để không khép ông Nguyễn Vũ Bình Vào tội danh gián điệp.
5. Về vấn đề Biên giới Việt –Trung.. Quốc gia nào cũng đều có đường biên để phân biệt rõ ràng địa phận cũng như quyền sở hữu của mỗi một quốc gia. Việc ký kết một hiệp định về vấn đề biên giới là một việc hết sức quan trọng.
Tôi xin hỏi trước khi chuẩn bị ký kết chính phủ đã trưng cầu ý dân chưa? Vì mỗi tấc đất là của dân tộc, của nhân dân và người dân đã đổ bao nhiêu xưng máu để bảo vệ cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Cụ thể năm 1979 bao nhiêu người dân Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía Bắc, điều đó đã đi vào lịch sử.
Nếu việc thực hiện trưng cầu ý dân khó khăn không thực hiện được thì sau khi ký kết hiệp định cũng nên công bố một cách công khai và minh bạch cho toàn thể người dân Việt Nam được biết.
Nhưng điều đó ông Nguyễn Vũ Bình cũng như toàn thể người dân Việt Nam không hề được biết.
Sau khi hiệp định biên giới Việt Trung được ký kết thì bất kỳ người dân Việt Nam nào qua cửa khẩu Lang Sơn đều thấy cột mốc Hữu nghị Quan không còn nằm ở vị trĩ cũ mà đã lùi sâu vào bên trong sang phía đất Việ! t Nam. Rồi Thác Bản Giốc cũng bị chia đôi…
Bất kỳ một người dân Việt Nam có lòng yêu nước và có trách nhiệm với đất nước đều cảm thấy đau lòng vì cha ông, con cháu họ đã đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ từng tấc đất, không những thế quyền lợi của người dân cũng bị mất vì một số danh lam thắng cảnh đẹp của Việt Nam trước kia nay cũng bị chia xẻ.
Chồng tôi – bị cáo Nguyễn Vũ Bình, là một công dân Việt nam yêu nước trước sự việc đó hỏi không đau lòng làm sao được? Chính vì thế ông mới viết bài lên tiếng mong mọi người có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi cho đất nước cho dân tộc thì lại bị cơ quan an ninh và viện kiểm soát nhân dân thành phố Hà nội qui kết là cung cấp tin tức cho bên ngoài để nhằm phá hiệp định biên giới Việt Trung. Để rồi buộc tội ông Nguyễn Vũ Bình vào tội gián điệp.Điều này là vô căn cứ, tôi xin toà loại bỏ.
6.Viết Bản điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam gửi cho Quốc hội Mỹ…. Thứ nhất: Ngày 19 tháng 7 năm 2002 nhận được lời mời của Bà Loreta Sanchez – Hạ nghị sĩ – Hạ nghị viện Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Vũ Bình đã viết Bản điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Nội dung chỉ là bản sao lại những điều của một số công dân Việt nam đã cùng nhau làm đơn kiến nghị tập thể gửi cho các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước. Sự việc đó là có thật thì tại sao lại kết tôi ông Nguyễn Vũ Bình là vu cáo – xin loại bỏ.
Còn việc tại sao lại gửi bản điều trần đó cho Quốc hội Hoa kỳ, có thể ông Nguyễn Vũ Bình suy nghĩ những sự việc trên đã gửi cho các cấp lãnh đạo nhưng bị lờ đi vì thế ông Nguyễn Vũ Bình gửi bản điều trần cho Quốc hội Mỹ mong muốn có một giải pháp tốt đẹp hơn? (chẳng hạn trong nhà có chuyện lục đục mãi không thể hoà giải được thì phải đưa ra tổ dân phố, tổ hoà giải …)
Mặt khác, nếu kết tội chồng tôi - ông Nguyễn Vũ Bình cung cấp Bản điều trần cho quốc hội Mỹ là phạm tội gián điệp. Thì xin các ông chứng minh bằng cách mời Hạ Nghị viện Mỹ cử người sang đối thoại một cách cởi mở trên tinh thần của chính phủ đã đưa ra cụ thể là mời bà Loreta Sanchez người đã mời ông Nguyễn Vũ Bình sang để giải trình cho rõ:
1. Hạ nghị viện Hoa kỳ có phải là cơ quantình báo không?
2. Hạ nghị sĩ Loreta Sanhchez có phải là điệp viên không?
3. Việc mời ông Nguyễn Vũ Bình viết Bản điều trần có phải là hoạt động gián điệp không?
Còn nữa, nếu cơ quan an ninh và viện kiểm soát không chứng minh được Quốc hội Hoa kỳ đã dùng bản điều trần do ông Nguyễn Vũ Bình gửi để chống phá nhà nước Việt Nam như thế nào? thì có nghĩa là các cơ quan đó đã tùy tiện kết tội ông Nguyễn Vũ Bình. Chính các cơ quan ấy mới là kẻ vi phạm luật pháp phải đem ra truy tố theo luật định.
7. Nhận tiền của nước ngoài… Điều luật nào cấm người dân Việt Nam nhận tiền của Việt kiều ở nước ngoài? Việc nhận tiền mang tính chất giúp nhau trong lúc khó khăn vì lúc đó ông Nguyễn Vũ Bình đã mất việc ở Tạp chí cộng sản không thể qui vào tội gián điệp được, xin quý toà loại bỏ.
Một số ông bên an ninh nói không ai tự nhiên đem tiền đi cho người dưng. Xin hỏi: nếu không có lòng tương thân tương ái thì làm sao lại có sự giúp đỡ ủng hộ, viện trợ của một số nước cho Việt Nam? Làm sao lại có sự ủng hộ vào quỹ người nghèo để giúp một số gia đình thoát khỏi cảnh gian nan trong lúc khó khăn?
Trường hợp ông Nguyễn Vũ Bình cũng thế, mất việc lại bị Tạp chí Cộng sản ghi trong lý lịch: "Có nhận thức sai về tình hình đất nước, không tin vào sự lãnh đạo của Đảng”, hòng chặn con đường xin việc của ông Nguyễn Vũ Bình.
Thật sự ông Nguyễn Vũ Bình rất khó xin việc kể từ khi thôi ở Tạp chí Cộng sản. Nhiều lần đi tuyển ở các trung tâm giới thiệu việc làm để làm biên tập viên, một công việc mà ông Nguyễn Vũ Bình đã từng làm hơn 8 năm trời nhưng đều bị loại (không hiểu có một áp lực nào không?).
Rồi viết bài bình luận về bóng đá là môn thể thao mà ông Bình rất hâm mộ. Ông Bình rất có tư duy về bình luận bóng đá vì thế ông viết bài gửi đi với bút danh mang tên con gái, viết bài nào là được đăng bài đó nhưng rồi không hiểu sao cũng chỉ được vài lần.
Rồi báo Thể thao Văn hoá gọi điện đến xin lỗi không đăng được với lý do nếu cứ đăng bài của ông Bình thì những phóng viên của báo sẽ không còn chỗ của họ trên trang báo. Thế là ông Bình lại không có việc.
Chính những lúc khó khăn như thế mọi người mới giúp đỡ gửi tiền để giúp nhau trong lú! c khó khăn. Số tiền đâu có nhiều, tổng cộng không hơn 500 USD không bằng một lần nhận hối lộ của một số vị quan chức đã bị đưa ra toà. Tại sao Viện kiểm soát và cơ quan an ninh lại qui vào tội gián điệp?
Tôi xin hỏi họ qui kết ông Nguyễn Vũ Bình nhận tiền để làm gián điệp dựa vào cái gì? Xin hãy thôi ngay đi cái trò "ngậm máu phun người ".
Tôi đề nghị hội đồng xét xử là nơi cầm cân nảy mực, có cách nhìn một cách khách quan nhất, công bằng nhất. Không vì một lý do nào đó, xét xử theo đúng pháp luật để không có một vụ án nào oan sai mang lại niềm tin trong mỗi người dân.
Kết luận:
Dựa trên những điều tôi đã bào chữa trên đây, chồng tôi- ông Nguyễn Vũ bình – vô tội.
Chồng tôi - ông Nguyễn Vũ Bình bản chất thật thà, đạo đức, luôn coi trọng điều ngay lẽ phải, thấy những gì ngang tai, trái mắt là không chịu. Biết là làm những việc đó, nói ra những điều đó sẽ phải hy sinh quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình nhưng anh vẫn làm vì ý nguyện của anh là mong muốn cho toàn thể dân Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước phồn vinh hơn.
Tôi đề nghị hội đồng xét xử tha bổng cho chồng tôi- ông Nguyễn Vũ Bình để ông sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Tôi và các con tôi đang cần có anh.
Kính mong hội đồng xét xử để có quyết đinh sáng suốt.
Hà nội, ngày 26 tháng 12 năm 2003
Bào chữa viên nhân dân
Vợ bị cáo
Bùi Thị Kim Ngân
Đồng kính gửi:
- Văn phòng Tổng Bí thư
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Văn phòng Chủ tịch Quốc hội
- Văn phòng Thủ tướng chính phủ
- Toà án nhân dân tối cao
- Viện kiểm soát nhân dân tối cao
- Toà án nhân dân thành phố Hà nội
- Viện kiểm soát nhân dân thành phố Hà nội
- Các cơ quan thông tấn và báo chí
- Các bạn bè gần xa, những ai quan tâm