Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Hồi ký TRẦN THƯ

Phần 4
Tôi vốn là một học trò trường Bưởi, cũng như bao bạn khác, nghe lời kêu gọi của cách mạng, đã xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Hoạt động nghiệp dư hơn một năm thì tôi được chỉ thị của cấp trên thoát ly gia đình đi làm chuyên nghiệp. Tôi trốn nhà ra đi, lấy trộm mang theo một tạ gạo là toàn bộ số gạo mà bố mẹ tôi tích trữ để đề phòng nạn đói. Nhưng đi được ít lâu thì bị ông bố tôi tóm gọn.

Số là tôi có một người anh họ, cũng đi Việt Minh nhưng không thoát ly gia đình, và thỉnh thoảng tôi có qua lại nhà để trao tài liệu. Bố tôi đã thuyết phục được anh họ tôi hôm nào tôi đến thì phi báo cho cụ vì cụ muốn nói chuyện với tôi. Thế là một bữa nọ, tôi đã bị bắt sống.

Bố tôi là một ông giáo học rất nghiêm khắc. Trong họ tôi nổi tiếng sợ rắn. Duyên do là hồi tôi còn nhỏ, hàng ngày kèm tôi học ở nhà, không bữa nào cụ không củng lên cái đầu trọc lóc của tôi vài cái cốc tưởng phải thủng sọ. Vậy mà sọ tôi vẫn gin. ở trường tôi vẫn giỏi về môn tiếng Pháp, viết chính tả thường không phạm lỗi nào, hoặc chỉ một hai lỗi là cùng. Nhưng cũng vẫn bài ấy, về nhà bố tôi đọc cho viết lại thì bao giờ tôi cũng phạm từ mươi lỗi trở lên. Chẳng là vì bao nhiêu tâm trí của tôi đều tập trung hết lên đỉnh đầu, nơm nớp đón đợi cái cốc như trời giáng sắp nện xuống. Này, này, sắp này... sắp này... cốc! Toàn thân tôi giật bắn lên, mắt tôi nổ đom đóm. Và có lần tôi đã vãi đái.

Riêng chữ charrette thì nó đã là cái tai họa một thời của tôi. Vì tôi viết nó không bao giờ đủ được cả hai r và hai t, không thiếu chữ nọ thì thiếu chữ kia. Cuối cùng hết kiên nhẫn, cụ tôi quát:

- Ngu lắm! Charrette là cái xe bò. Xe bò thì phải có hai càng và hai bánh, cho nên phải có hai r và hai t. Nhớ chưa?

Thì ra là xe bò có hai càng và hai bánh! Tôi mừng quá! Và từ đó thoát được cái nạn xe bò.

Tôi có một người chị ruột học ở trường Albert Sarraut mới vào ban tú tài. Ngày xưa con gái Hà Nội nhà tử tế đi học đều mặc áo dài, đi dép có quai hậu, và đến tuổi mười bảy, mười tám ra đường bao giờ cũng bước khoan thai, nghiêm trang nhìn thẳng trước mặt, không bao giờ ngó nghiêng hai bên. Chị tôi cũng thuộc loại ấy, mặc dầu chị được coi là hoa khôi.

Một thầy giáo chủ nhiệm người Pháp kêu chị lên bảng đọc bài không gọi bằng cái tên nào khác là Mignonne.

Lần ấy lớp chị tôi tổ chức liên hoan tất niên. Nhân dịp ấy, chị đã xoa một lớp phấn kín đáo và ra đi thoát qua được mặt bố tôi an toàn. Dè đâu vài phút sau cụ sực nghĩ ra:

- Con Nhung đi qua mặt tao có mùi gì thơm thơm. Nó đánh phấn!

Thế là cụ lập tức bắt tôi phải đi cùng anh người ở bưng một chậu nước thả sẵn cái khăn mặt đuổi theo chị tôi và bất kỳ bắt gặp ở đâu cũng cứ đặt chậu nước xuống, bắt chị phải rửa mặt tại chỗ.

Nhận được cái lệnh oái oăm ấy, tôi nghĩ ngay đến cái anh chàng học trò trường Bưởi trắng trẻo và nho nhã nom khá dễ thương, đi học vẫn lẽo đẽo theo sau chị tôi một quãng. Và một ngày chủ nhật gần đây, lợi dụng lúc chỉ có một mình tôi trông cửa hàng, anh ta đã ném vào cả một quyển thơ Sonnet bằng tiếng Pháp của anh viết tặng người đẹp, lời thơ đầy đau buồn và thương nhớ. Tôi lấm lét nhìn vào trong nhà thấy không ai biết, vội đút ngay vào trong người, rồi đợi đến lúc mẹ tôi ra, tôi lỉnh luôn lên gác, lặng lẽ đưa chị tôi. Trong nhà, hai chị em tôi thuộc tầng lớp những người cần phải... liên hiệp lại! Chị tôi ngỡ ngàng lật ra xem, và khuôn mặt xinh đẹp của chị ửng dần lên, rồi đỏ rừ. May mắn làm sao là bà mẹ tôi đã kịp thời huy động toàn bộ dự trữ nước mắt của bà và chặn đứng được sự thực thi cái mệnh lệnh quái ác kia. Bà có ngờ đâu bà vừa làm được một việc rất thánh thiện. Còn tôi thì thở phào nhẹ nhõm.

Tôi biết rằng những lời thơ đau buồn ấy đã làm cho tâm hồn con gái của chị rung động. Vì đôi lần tôi bắt gặp chị mở tập thơ ra xem... trộm, thấy tôi đến lại vội cất đi. Và tôi cũng biết chắc chắn rằng chị chưa lần nào thư từ đáp lại lời tỏ tình ấy, vì nếu có thư thì tôi ắt phải là con nhạn mang thư. Ông cụ tôi như thế thì chị nào dám thư từ đi lại với ai. Và ngày ngày chị đi học vẫn có anh học trò trường Bưởi lẽo đẽo theo sau.

Hai năm sau chị lâm bệnh nặng qua đời.

Đám tang ngợp những vòng hoa trắng. Và ở cuối dòng người đi tiễn chị, có anh học trò bước đi những bước vô tri, mặt cúi gầm giấu hai hàng nước mắt.

Tên anh học trò ấy là Phạm Xuân Lân, nếu bây giờ còn sống, anh cũng phải khoảng 75 tuổi, liệu có lúc nào anh hồi nhớ lại mối tình đầu ấy không? Trên bia mộ của chị, tôi đã thay mặt anh cho khắc câu thơ của Rông-xa (Ronsard) khóc người yêu:

Rose, elle a vécu ce que vivent les roses

L espace d un matin.

Thực ra ông cụ tôi không phải là người ác. Cụ chỉ sống theo một lễ giáo nào đó thôi, và không phải con người sắt đá vô tình. Chứng cớ là tôi đã được thấy cụ khóc, khóc một cách đau khổ. Đó chính là vào cái hôm cụ bắt được tôi ở nhà ông anh họ tôi. Vừa khóc vừa kể lể:

Nó đi, bỏ lại trong ngăn kéo bàn học của nó hai cái hộp in truyền đơn... Hộp thì tôi chẻ ra đem đốt, khói mù cả nhà, cả một buổi mới cháy hết... Còn đất sét thì tôi nhét xuống cống... Thế mà người ta bắt được nó thì người ta chặt đầu chứ còn gì...

Hồi ấy ở phố Chả Cá có chuyện lính Nhật đi đường bị một con chó hàng phố xồ ra cắn, đã rút kiếm chém một nhát đứt phăng cái đầu. Chắc là cụ đã nghĩ đến chuyện ấy, và nói đến đây, cụ đứng bật dậy, lao vào tường định đập đầu tự vẫn. Tất nhiên cả nhà đã xô đến, giữ chặt lấy cụ.

Trước cảnh tượng ấy, tôi cũng... khóc. Tôi không nhớ sau đó mọi người đã thuyết phục cụ như thế nào, chỉ biết rằng rốt cuộc cụ vẫn để tôi đi. Tôi ra đi, lòng dạ rối bời: tôi mới mười tám tuổi.

Đoàn thể giao cho tôi in báo Hồn Nước. Cơ sở in của chúng tôi được đặt cho cái tên rất kêu là Nhà In Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, thực ra chỉ có hai người và vài viên đá li-tô, đầu tiên đặt ở làng Mọc Giáp Nhất, ngoại thành Hà Nội. Suốt ngày hai anh em chúng tôi cứ đóng cửa, cấm cung trong cái buồng đầu hồi một căn nhà lá ba gian là nhà của gia đình anh Hải Hùng, sau này là Cục Phó Cục Tuyên Huấn, Tổng Cục Chính Trị. Trong căn buồng tối tăm ấy chúng tôi suốt ngày ngồi viết chữ ngược trên đá li-tô và hì hục in, đến đêm mới được ra bờ ao mài đá. ở đó suốt một tháng mà trong làng không ai biết là có chúng tôi.

Đến nạn đói ất Dậu, sáng nào xe bò cũng chở kìn kìn những xác người chết đói nhặt trên các vỉa hè Hà Nội mang ra ngoại thành chôn. Chúng tôi cũng đói, vì đoàn thể không đủ gạo cung cấp. Thực ra thì không phải nhịn bữa nào, nhưng là bữa nào cũng chỉ ăn lưng lưng dạ dày. Có đêm tôi đã lẻn ra ruộng rau của dân, mạn phép đoàn thể hái trộm rau về luộc ăn.

Một đôi lần về nội thành, tôi bị bố tôi bắt gặp ngoài đường. Nhưng những lần ấy cụ chỉ mắt trước mắt sau lẳng lặng dẫn tôi đến hiệu ăn Nghi Xuân, một hiệu ăn Tàu nổi tiếng hồi ấy ở gần chợ Hàng Da, cho ăn một bữa nhớ mấy ngày. Ăn xong, cũng lại mắt trước mắt sau dúi cho tôi một hai chục đồng Đông Dương. Những đồng tiền ấy tôi giữ như những lá bùa hộ mệnh. Hồi ấy, cơ sở in của chúng tôi đã chuyển về làng Canh, đặt tại nhà anh em anh Bảo Thé (anh Bảo có giọng nói vỡ the thé và sau này là chính ủy một binh chủng) và hai chúng tôi được gia đình anh nuôi. Nhà anh Bảo là nhà gạch hai tầng xây kiểu nửa cổ nửa kim, khá to, vậy mà hồi ấy cũng thiếu, bữa nào mỗi người cũng chỉ có hai lưng cơm chan với nước bã đậu. Cho nên mỗi lần về Canh, qua Cầu Giấy, tôi lại xuất ra, và cũng chỉ dám xuất ra một đồng mua một nắm cơm tấm Sài Gòn trắng bong, ở giữa nắm có ấn trũng xuống để khi có khách mua thì nhà hàng đổ vào đó thìa muối vừng mặn chát. Đối với tôi lúc ấy thế đã là sang trọng rồi.

Cách Mạng Tháng Tám thành công. Không cần phải nói rằng ông bố tôi rất lấy làm hãnh diện về thằng cả Cò nhà cụ. Nói đúng ra thì đến lúc ấy, đối với cụ tôi đâu phải thằng cả Cò nữa, và cũng không phải thằng Cung, mà là anh Cung.

Công bằng mà nói thì cụ nên tự hào về chính cụ: cụ đã vượt được lên cao hơn chính bản thân mình. Vì thực ra, lần gặp tôi ở nhà người anh họ tôi, cụ có đủ quyền uy để kéo tai tôi lôi về, rồi nhốt tịt ở một xó nhà quê nào đó. Và tất cả sẽ không còn gì để nói nữa.

Kháng chiến toàn quốc. Cụ đã thuê người cáng bà mẹ quanh năm đau ốm của tôi, cùng bầy đàn thê tử, bỏ tất cả ở lại, lốc nhốc dắt díu nhau tản cư lên Việt Bắc theo kháng chiến.

Lúc ấy tôi đang ở bộ đội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét