Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Hồi ký TRẦN THƯ

Phần 3
Một ngày tháng 6 năm 1973, tại trại giam quân sự Trung ương ở Bất Bạt, Sơn Tây.

Tôi quay lại nhìn một lần chót ngôi nhà nhỏ giam tôi. Đó là một ngôi nhà vuông, nom như cái chòi canh đê, đủ cho một người ở, kê một giường cá nhân, một bàn viết kèm theo ghế tựa, trên giường có giá xích đông để đặt các đồ linh tinh. Nhà có hai cửa sổ, xây trên sườn đồi thoai thoải, trước nhà là sân và vườn rộng khoảng một sào, có giếng nước trong leo lẻo với con cá lội tung tăng, có chuồng gà ghép bằng thân cây sắn, có hố vệ sinh.

Bên ngoài, dưới chân đồi là ruộng lúa và xa xa mấy ngọn đồi thông. Ngồi trước cửa sổ nhìn ra sân thấy một bụi hồng lớn, hoa lá um tùm, cao hơn đầu người, do ai bị giam ở đây trước tôi đã trồng. Không rõ loại hồng gì mà hoa chỉ nhỏ bằng những bông nhài lớn, nhưng nhiều lớp cánh đỏ chót, rất đẹp, và chi chít hàng trăm, mấy trăm bông. Bao nhiêu buổi chiều xuống, tôi đã đứng ngắm bụi hồng này hồi lâu, chọn xem bông nào là Thúy Kiều, bông nào là Thúy Vân.

Đại để là một ngôi nhà kẻ sĩ ở ẩn, trong đó anh muốn làm gì thì làm. Một ngôi nhà ở ẩn, nếu không có cái hàng rào dây thép gai xen lẫn với mấy hàng cây sắn cao rậm rạp, và nếu ban đêm cửa buồng không bị khóa trái. So với tất cả những nơi tôi bị giam giữ trước đó thì đây quả thật là một nơi không dám mơ ước.

Sáu tháng trước khi được chuyển từ trại giam Tân Lập, Yên Bái, về đây, tôi đã ngạc nhiên một cách thú vị. Nhưng chỉ một tuần sau là mọi sự đã rõ: gia đình tôi lên thăm, báo tin một số anh em đã được về. Vậy là tôi cũng sắp được về. Và đây là nơi tôi được chuẩn bị để làm quen dần với tự do. Thực là chu đáo quá! Nếu đùng một cái được thả ra khỏi cổng nhà tù, khéo tôi hóa rồ mất thật. Và đây cũng là nơi để người ta vỗ béo cho tôi (tất nhiên là bằng tiền của vợ con tôi) trước khi tôi được cho về triềng làng triềng nước (trình làng trình nước). Vì ở đây gia đình được đi thăm nom tiếp tế thoải mái. Chỉ sợ không có sức.

Vậy là một lần chót tôi quay lại nhìn từ biệt ngôi nhà nhỏ đã chứng kiến bao nhiêu tâm tư của tôi, rồi bước đi theo người quản giáo. Tôi mặc bộ quần áo tù nhuộm chàm, đầu đội nón, vai gánh chiếc ba lô lính và đồ đạc lỉnh kỉnh (nồi niêu chai lọ hộp...) treo lủng lẳng hai đầu chiếc đòn gánh làm bằng cành cây, tay trái xách chiếc bu gà có một con gà mái già đã đẻ ba bốn lứa mà bà mẹ vợ tôi đã đem đến tiếp tế cách đây mấy tháng để nó làm bạn với tôi trong cảnh cô quạnh. Bây giờ trông thấy tôi trong bộ dạng này chắc bà phải cười ra nước mắt.

Người quản giáo dẫn tôi loanh quanh đường đồi đến một gian nhà khác, bảo tôi đặt đồ lề vào góc, và chỉ cho tôi ngồi vào bên bàn, ở đó đã có ba người hai cán bộ chấp pháp của Bộ Công An và một trung tá của Cục Bảo Vệ Quân Đội, ngồi chực sẵn.

Một trong hai người kia mở đầu:

- Chắc anh đã rõ hôm nay anh được gọi ra đây để làm gì?

Tôi gật đầu:

- Có.

Rồi ông ta đọc cho tôi nghe liền một lúc bốn cái lệnh:

Lệnh thứ nhất: lệnh tạm giam Trần Thư 3 năm vì tội chống Đảng, ký tháng 12-1967.

Lệnh thứ hai: lệnh tạm giam thêm 3 năm, ký 3 năm sau, tức 1970.

Lệnh thứ ba: lệnh tạm tha, ký mấy ngày trước đây.

Đến đây thì kèm theo lời giải thích:

- Như thế là anh được về sớm 6 tháng so với thời hạn. Đó là do chính sách khoan hồng của Đảng và do anh đã cải tạo tốt.

Cuối cùng là lệnh thứ tư: lệnh quản chế ba năm lao động cải tạo tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, ký cùng ngày với lệnh tạm tha.

Tôi có vài ý nghĩ:

Một là: tất cả các lệnh trên đây, cùng với lệnh bắt tôi trước kia và các lệnh khác sau này, tôi chỉ được đọc cho nghe qua một lần, không được cầm đọc, càng không được có một bản sao gửi cho đương sự để thi hành, cho nên tôi không nhớ được cụ thể ngày ký và người ký. Hình như người ta không muốn tôi có được bất cứ một thứ giấy tờ gì làm bằng chứng cho việc tôi bị bắt.

Hai là: tôi có cảm tưởng cả bốn lệnh trên đây đều được ký cùng một lúc, một ngày, nhưng lại đề ngày tháng khác nhau. Nếu không thì tại sao một lệnh ký cách đây 5 năm rưỡi lại phải đợi đến bây giờ mới được đọc cho đương sự nghe để thi hành?

Ba là: tất cả đều là tạm. Tạm giam, nghĩa là không xét xử, không có án, không có thời hạn, nếu cần thì tạm giam thêm, không cần nữa thì tạm tha, nghĩa là không tha hẳn, có thể hiểu là: được cho về thì tăng xương, vớ vẩn là ông bắt lại.

Bốn là: một cơ quan Nhà Nước là Bộ Công An lại bắt giam người vì tội chống Đảng, và tha người cũng vì chính sách khoan hồng của Đảng. Tất cả các thủ thuật để làm cho việc bắt bớ tôi có vẻ hợp hiến ấy, tôi thấy nó lủng ca lủng củng quá! Nhưng những ý nghĩ ấy là mãi về sau này, ngồi nghĩ lại tôi mới nảy ra dần dần. Chứ ngay lúc đó thì những cảnh hiện ra trước mắt tôi, những câu nói lọt vào tai tôi rồi lại bay đi đâu mất, tôi đâu có để ý đến.

Chỉ có độc một ý nghĩ: Tự do! Tự do!

Người tôi cứ bàng hoàng, nhẹ như bấc. Và tất cả những gì đã xảy ra với tôi trong những năm tháng vừa qua bỗng trở thành một quá khứ xa xăm.

Lúc ấy tôi đã quên sạch.

Quên rồi, những đêm giá rét nằm trong xà lim Hỏa Lò, nghe tiếng chuông xe điện leng keng từ phía Cửa Nam vọng lại mà có cảm tưởng như nằm dưới đáy mồ lạnh lẽo nghe tiếng động của trần gian vọng xuống.

Quên rồi, những đêm tháng Sáu, cũng vẫn cái xà lim Hỏa Lò rộng vài mét vuông ấy với một cửa sổ thông hơi sát trần cao năm mét. Tiếng bay rào rào của hàng trăm con muỗi to bằng con ruồi. Chiếc màn ngủ bằng vải xô bí rì, đình màn còn phủ kín quần áo để che bớt cái ánh đèn điện 100 oát quái ác ở trên trần cứ chiếu xoáy vào mắt. Và bên trong cái lồng ấp ấy, tôi nằm trần truồng, vật vã trên sàn xi măng nóng hổi và nhầy nhụa mồ hôi chảy ròng ròng từ khắp người tôi xuống. Cảm giác mình như con lợn lăn lộn trong cái chuồng đầy cứt đái.

Quên rồi, những buổi bức cung đáng sợ. Suốt hai tháng trời chỉ có độc một câu hỏi: Hoàng Minh Chính đã lệnh cho anh hoạt động những gì ở trong quân đội? có lúc đổi thành: Hoàng Minh Chính đã truyền đạt cho anh những chỉ thị gì của Liên xô về hoạt động ở trong quân đội?, hoặc dữ dằn hơn Liên xô đã chỉ thị cho anh hoạt động những gì ở trong quân đội?

Nếu chuyện đó có thật thì chắc là tôi đã khai ra hết rồi. Vì sau chín tháng trời bị quần như thế, người tôi đã nhão hết. Vả lại... Đảng hỏi anh cơ mà, Đảng mà anh đã hy sinh cả thời trai trẻ của mình cho nó, Đảng đầy tình thương yêu đồng chí, chỉ mong anh trút bỏ tội lỗi đi thì sẽ tha thứ cho anh. Đảng chỉ muốn cứu vớt anh. Anh khai mau cho xong đi, để về. Về cho chị ấy đi học bác sĩ chứ, cơ quan chị ấy định bố trí cho chị ấy đi học lớp bác sĩ mà. Về mà chăm lo con cái chứ mặc cho một mình chị ấy hay sao? Và còn tương lai của anh nữa, anh là một cán bộ trẻ có năng lực...

Đúng là nếu chuyện mà người ta muốn tôi khai ra là có thật thì chắc chắn tôi đã khai ra hết. Nhưng chuyện đó không hề có và tôi còn đủ tỉnh táo và lương tâm để không đơm đặt điều gì cho ai. Nhưng trình bày như thế nào thì cái ông Nhuận có bộ mặt lầm lì da sát tận xương kia vẫn nhất định không tin. Và tiếp theo những lời dỗ dành ngon ngọt là một cái đập bàn: Anh định chết rũ xương trong tù hay sao mà không chịu khai? Tôi ngồi đó, lòng đầy tuyệt vọng, nước mắt chỉ muốn ứa ra và óc lởn vởn một ý nghĩ: có nên lao ra đập đầu vào cái ô cửa kính kia hay không?

Bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu ê chề, bao nhiêu cơ cực, bao nhiêu hờn oán nặng trĩu hai vai!

Nhưng lúc này đây tôi đã quên sạch. Tôi cứ ngồi đó, người lâng lâng, miệng mỉm cười.

Anh chú ý là về địa phương tình hình phức tạp, có những kẻ xấu, đừng để họ lôi kéo.

Câu nói ấy của một trong hai người cán bộ chấp pháp kia làm tôi bừng tỉnh. Và bất ngờ tôi bật ra một câu đối đáp:

Các anh coi thường tôi quá! Chẳng gì tôi cũng là một tên phản cách mạng cỡ kha khá, lại để mấy anh tề ngụy ở xã lôi kéo hay sao? Tôi tha lôi kéo họ thì thôi chứ!

Nói câu ấy là tôi muốn ám chỉ cái lệnh bắt tôi trong đó gọi tôi là tên phản cách mạng Trần Thư và cũng ám chỉ cả cái sắc lệnh trừng trị phản cách mạng đầy những điều khoản mơ hồ mà năm 1967 ban Thường Vụ Quốc Hội đã thông qua vội để làm cơ sở pháp lý cho việc bắt bớ chúng tôi. Và trong quá trình hỏi cung người ta không đánh giá tôi là cái gì khác ngoài cái là phản cách mạng, phản động, phản quốc, phản dân, phản Đảng, tóm lại là ngũ phản.

Nhưng nói câu ấy tôi cũng nói một cách vui vẻ, như một câu pha trò. Tôi tưởng họ sẽ phản ứng. Ngờ đâu họ cũng cười, chắc là thấy câu pha trò có duyên.

Một không khí thật là hồn nhiên vui vẻ.

Lát sau người ta bảo tôi ra xe. Anh trung tá Cục Bảo Vệ sẽ áp tải tôi về Phù Cừ. Tôi định ra lấy đồ lề thì anh ta ngăn tôi lại, ôn tồn nói:

- Anh cứ ra xe, đồ lề để đây tôi bảo anh em cảnh vệ mang đỡ ra cho.

Quả thật hôm nay, người với người là... bạn.

Tôi hăm hở bước ra xe com-măng-ca, hùng dũng như một vị thủ trưởng. Bỗng từ một ngọn đồi xa xa, vẳng lại một tiếng con gái trong trẻo:

- Hò lơ, hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai...

Tiếng hò của các cô gái dân công trên đường đi chiến dịch năm nào! Tôi đứng sững lại. Và nước mắt cứ thế trào ra, trào ra, không tài nào ngăn được. Còn miệng thì cười. Một nụ cười thê thảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét