Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Kính gửi: : Lê Duẫn,  Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... ông Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Văn Đồng, ông Xuân Thủy, Bà Hà Quế.

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Kiểm Tra Trung Ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thanh tra Chính phủ, Hội đồng Nhà nước, Ban Tổ chức của Chính phủ, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục, Viện Kiểm soát Nhân dân, Tòa án Nhân dân Tối cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương.

Kính thưa ...

Tôi là Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ góa của anh Phạm Viết, sinh năm 1932, ở số 43 nhà B1 Khu tập thể Thành Công, công tác tại trường Đại học Sư Phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Trong những năm qua tôi đã gửi nhiều đơn đến các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trình bày về sự đối xử bất công tôi phải chịu đựng trong gần 14 năm trờí, và xin gặp đại diện của Đảng để báo cáo những thắc mắc của tôi về vụ án "chống Đảng" và về việc tôi bị khai trừ Đảng, nhưng chẳng một cơ quan nào đoái hoài. Khi tôi trực tiếp hỏi thì cơ quan này đẩy cho cơ quan kia và không có lấy một lời giải thích. Vì vậy tôi làm đơn này, hy vọng các cơ quan lãnh đạo sẽ không làm ngơ nữa trước nỗi oan khuất của một cán bộ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và toàn bộ tài sản cho Cách mạng (được chồng tôi đồng ý, tôi đã hiến ngôi nhà 250m2 ở 169 phố Bà Triệu, là tài sản của bố mẹ tôi chia cho tôi từ năm 1945), không dửng dưng nữa trước những nỗi đắng cay cơ cực mà một phụ nữ đã phải chịu đựng suốt 14 năm qua và còn phải chịu đựng chưa biết đến bao giờ nữa.

Tôi hoạt động tích cực trong Phong trào học sinh kháng chiến nội thành Hà Nội từ năm 17 tuổi (năm 1949) và được kết nạp Đảng năm 1950. Bị địch bắt và tra tấn, tôi vẫn giữ khí tiết cách mạng, bảo vệ cơ sở và tài liệu mật (việc này được cán bộ thanh niên, bí thư chi bộ và quận uỷ viên nội thành xác nhận). Đầu năm 1953, được đoàn thể cho phép, gia đình tôi sang Pháp để chữa bệnh và học tập. Ở Pháp, tôi tham gia phong trào kháng chiến của kiều bào yêu nước ở Paris. Tháng 8-1954, đoàn thể gọi tôi về nước làm công tác chuẩn bị tiếp quản thủ đô, từ đó tôi vào biên chế Nhà nước.

Ngày 26-7-1967, chồng tôi bị bắt vì cái tội người ta gán ghép cho là “chống Đảng" và “làm tình báo cho Liên Xô”. Trong khi bị giam, anh đã viết một lá đơn dài mấy chục trang gửi Bộ Chính Trị, đề nghị thẩm tra lại vụ án mà anh cho rằng có nhiều điều uẩn khúc này, và khẳng định rằng anh không tham gia và không hề biết một tổ chức chống Đảng nào hết. Anh còn viết nhật ký và chúc thư để gửi cho tôi với ý định trao trách nhiệm cho tôi tìm cách minh oan cho anh (các tài liệu này đã bị tịch thu).

Ở đây, cũng với tư cách cá nhân, tôi còn xin tuân theo ý nguyện của chồng tôi, một cựu sĩ quan Quân Đội Nhân dân, từng đổ máu bảo vệ Tổ quốc và mang thương tật từ năm 1946, một đảng viên trung thành với lý tưởng Cộng sản, đã chết oan trong nhà tù của ta ngày 31-12-1971, mà khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước sớm cắt bỏ sợi dây oan nghiệt đã thắt buộc gia đình tôi, gây ra bao nỗi đau đớn, thảm thương tủi nhục.

Chồng tôi bị bắt khoảng mươi ngày (lúc đó tôi đang dạy học ở nơi sơ tán) thì đến lượt tôi bị bắt trong khi đi đường. Thế là tôi không căn dặn được hai đứa con thơ dại của tôi được lời nào và cũng không được phép nhờ cậy ai giúp tôi nuôi nấng, dạy dỗ các cháu. Các cháu đang còn nhỏ dại, đang tuổi cần được bố mẹ ấp ủ, nâng niu, chăm sóc, vậy mà bỗng trở nên bơ vơ như trẻ mồ côi, lạc lõng như chim non mất tổ ấm, thật đáng thương tâm! Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng đau lòng nàỵ, tôi không cầm được nước mắt. Còn bé bỏng mà các cháu đã phải chịu khổ về vật chất, thiếu thốn tình thương, các cháu bị rêu rao là “con nhà phản động”. Tội nghiệp cho các cháu biết chừng nào!

Tôi bị giam hai năm rưỡi, vì lý do gì? ông Lê Thành Tài nói với chồng tôi rằng tôi có nhiều hành động nguy hại cho Đảng và Nhà nước: hồi ở Pháp tôi đươc tình báo Pháp huấn luyện rồi đưa về nước hoạt động, tôi làm tay sai cho bà Freda Cook (đảng viên Đảng Cộng sản Anh, là chuyên gia tiếng Anh ở trường Đại học Sư phạm và là bà giáo của tôi). Theo ông Tài, bà là tình báo của Anh. Lúc đó các Đảng cộng sản Pháp, Anh, v.v… ủng hộ Liên Xô chống Trung Quốc đều bị coi là tay sai của đế quốc hoặc của Liên Xô cả.

Tôi bị truy hỏi về quan hệ bạn bè của chồng tôi, và quan hệ của anh với Liên Xô. Về tôi, hầu như người ta không hỏi gì. Thì ra tôi bị bắt cốt để khai thác về chồng tôi và bạn bè của anh, những đảng viên lâu năm có nhiều công lao với cách mạng - tức là về cái gọi là “tổ chức chống Đảng” và về “tổ chức tình báo của Liên Xô", những đồng chí Liên Xô công tác ở Việt Nam trong thời kỳ đồng chí Brejnev.

Người ta nói với tôi nhiều lần rằng nếu tôi tự mang nộp tài liệu “chủ nghĩa giáo điều” (1) thì không bị bắt. Gần đây, ông Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng, Ban Tồ chức Trung ương (2) nói rằng tôi phạm tội hiện hành - cất giấu tài liệu “chủ nghĩa giáo điều” là “bản cương lĩnh của tổ chức phản động” nên bị bắt. Tôi được biết đây là tài liệu phê phán chủ nghĩa giáo điều đã gây nhiều hậu quả tai hại ở nước ta, có dẫn chứng cụ thể.

Tôi trước sau không hề nhận tội “chống Đảng” và “làm tay sai cho Liên Xô”. Nhưng tôi bị bắt buộc phải vẽ sơ đồ “tổ chức phản động” và “tổ chức tình báo của Liên Xô”. Tôi nói thật là tôi không biết tổ chức phản động và tình báo nào cả, nếu phải vẽ thì là vẽ theo tưởng tượng, và tôi yêu cầu được ghi rõ trong phần chú thích như vậy. Cán bộ chấp pháp gợi ý cho tôi vẽ hai bản sơ đồ, nhưng không cho tôi viết chú thích như đã hứa với tôi. Sợ rằng người ta dùng hai bản sơ đồ làm bằng chứng kết tội tôi và người khác, tôi đòi lại thì lúc đầu người ta nói là không cần dùng đến, sẽ trả lại, nhưng rồi không trả, nóỉ là hủy đi rồi. Việc này khiến tôi nghi ngờ có đìều mờ ám.

Tôi bị giam ở Hỏa Lò và trại giam quân pháp Bất Bạt. Bữa cơm ăn không đủ no, trời rét không đủ chăn áo ấm, đêm đông hai vai lạnh buốt, không thể nào ngủ được, vệ sinh thân thể bị hạn chế. Đằng đẵng hàng năm trời tôi không được thư từ cho chồng, con, không được gặp mặt chồng con. Biết bao nỗi lo âu dày vò tôi; ai nuôi dạy con tôi, ai bảo vệ tính mạng cho các con nhỏ dại của chúng tôi trong lúc địch bắn phá dữ dội; chồng tôi bệnh tim nặng, thiếu bồi dưỡng, thiếu thuốc men, thiếu sự chăm sóc, lại bị giam một mình một xà lim, lúc lên cơn đau tim đột ngột làm sao mà kêu cầu cứu được? Tôi rất lo cho tính mệnh của anh. Tôi năn nĩ xin viết vài chữ hỏi thăm sức khỏe và bệnh tình của anh cũng không được. Sự hành hạ về vật chất không đáng sợ bằng sự hành hạ về tinh thần. Tôi đã sống những năm tháng khủng khiếp trong nhà tù. Lúc nào cũng chỉ thấy bốn bức tường vây kín, không nghe thấy tiếng người. Gặp người hỏi cung thì toàn nhửng lời mớm cung, truy ép, đe dọa. Có lần ông Ngự, Cục phó Cục Chấp pháp, hỏi tôi về ban lãnh đạo của tổ chức. Tôi có biết tổ chức nào đâu thì làm sao biết ai lãnh đạo. Sau khi tôi khai cung, ông Ngự xé đi và quát: “Muốn rục xương trong tù, không muốn về với con cái hả ? Không chịu khai sẽ có cách bắt phải khai." Lúc đó tôi đã chuẩn bị tư tưởng vào nằm trong hầm tối hoặc bị tra tấn.

Năm 1970, ra tù rồi, tôi vẫn không được viết thư, không được tiếp tế cho chồng tôi. Tôi cảm thấy tính mạng anh bị đe dọa. Tôi gửi nhiều đơn thiết tha cầu khẩn ông bộ trưởng Bộ Nội vụ cho ba mẹ con tôi đi thăm anh, nếu tôi không được đi thì cho em chồng tôi đưa các cháu đi. Hai cháu cũng phải viết đơn xin ông Trần Quốc Hoàn, thương các cháu mà cho các cháu được ít nhất một lần vào tù ôm ấp bố các cháu. Và phải mất hàng năm ròng những lời cầu xin thương tâm của các cháu bé bỏng mới được chấp nhận. Em anh Viết xin giấy phép đưa mẹ con tôi đi để giúp đỡ và bảo vệ trong khi đi đường, không được cấp. Ba mẹ con tôi trèo đèo lội suối lên tận Yên Bái thăm anh Viết. Phải leo những cái dốc cao dài hàng cây số, các cháu mệt quá, nằm vật bên đường kêu không đi được nữa. Đi đường cực nhọc như vậy mà chỉ được thăm anh Viết một giờ. Các cháu xin được ngủ lại với bố cháu một đêm cũng không được.

Kính thưa ...

Các đồng chí có ngờ đâu chế độ nhà tù lại như thế! Các đồng chí vẫn tưởng rằng Đảng đối xử với chúng tôi theo cách “giải quyết nội bộ” tuy rằng Đảng phải mượn đến nhà tù, là cái công cụ mà Đảng không có, để giam giữ chúng tôi. Nhưng sự thật là như vậy. Tôi xin phép nói rằng chúng tôi đã bị đối xử còn hà khắc hơn nhà tù của đế quốc. Lenin bị tù vẫn nhận được sách báo, thư từ và vợ Lenin đường cùng sống với Lenin ở nơi tù đày. Đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản từ nhà tù đã gửi thư ra chào mừng đoàn đại biểu nước ta sang thăm nước Nhật. Còn chúng tôi “Giải quyết nội bộ” là như thế chăng?

Lần thứ hai tôi thăm chồng tôi vào lúc anh phải đi cấp cứu ở bệnh viện Thái Nguyên. Tôi không sao quên được hình ảnh hãi hùng này. Chồng tôi nằm trên giường bệnh, trong căn phòng cửa sổ bịt kín và giữa nửa tiểu đội công an lạnh lùng giam giữ.

Lần cuối cùng tôi vào thăm anh là ở nhà tù Thái Nguyên, cũng chỉ gặp trong chốc lát. Và rồi chồng tôi mất ngày 31-12-1971 trong cảnh cô đơn của thân tù tội. Anh không được vĩnh biệt mẹ già, vợ yêu, con dại truớc khi nhắm mắt xuôi tay với nỗi oan lớn trong lòng chưa cởi mở. Ôi, đau xót, thảm thương biết chừng nào! Lúc ấy Đảng chưa có quyết định khai trừ anh, vậy mà Đảng nỡ để cho một đảng viên chết trong tù như vậy.

Kính thưa ...

Làm sao cho người chết sống lại được!

Chồng tôi chết rồi vẫn không được yên. Đầu năm 1979, khi ba mẹ con tôi lên Thái Nguyên bốc mộ, đưa hài cốt anh về quê ngoại thì bị giữ lại ở đồn công an thị xã Thái Nguyên cả một buổi và phải nộp phạt vi cảnh mấy chục đồng.

Tai họa rõ ràng cứ đeo mãi lấy chúng tôi.

Bản thân tôi bị khai trừ Đảng về tội “tham gia tổ chức phản động” và làm tay sai cho Liên Xô”, theo quyết định của Ban Kiểm tra Trung ương ký tháng 7 -1974. Đây là một sự kết tội thiếu căn cứ pháp lý và không đúng điều lệ Đảng vì lẽ tôi chưa bao giờ nhận hai tội này; tôi không được tự bảo vệ ở chi bộ hoặc ở một cơ quan của Đảng và Nhà Nước, mà chỉ là do cơ quan an ninh kết tội không cần lời thú nhận, không cần nhân chứng và bằng chứng. Ngay sau khi nghe đọc quyết định khai trừ Đảng và trong sáu năm qua, tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại và xin gặp đại diện của Đảng để được phát biểu ý kiến, nhưng không hề được hồi âm.

Trong đơn này tôi xin kêu to lên rằng:

1. Việc bắt giam tôi là hoàn toàn vi phạm hiến pháp, vi phạm pháp luật của nước ta.
2. Việc khai trừ tôi hoàn toàn không đúng với nguyên tắc sinh hoạt Đảng.
3. Sự đối xử tàn nhẫn đối với tôi và với các con tôi từ khi tôi ra tù đến nay hoàn toàn ngược lại với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, thậm chí đã vi phạm nhân quyền tối thiểu.
Ra tù rồi, tôi vẫn tiếp tục bị trừng trị, đày đọa.

Tôi đã phải nuôi con bằng nửa lương là 35 đồng. Tháng 11-1972 tôi được phép trở lại làm việc ở trường cũ và bị đối xử tàn nhẫn. Pháp luật quy định người bị tòa kết án tù và đã được ba năm thì được vào biên chế. Tôi không bị tòa kết án tù và đã làm việc gần 9 năm mà gần đây nhà trường vẫn ép tôi ký hợp đồng mặc dù tôi chưa ký hợp đồng bao giờ. Tôi dùng hai ngoại ngữ trong công tác (từ 1955 đến nay) mà chỉ được trả lương bằng người mới ra trường chỉ làm một ngoại ngữ. Có thời gian tôi bị đình chỉ sinh hoạt công đoàn và học tập chính trị không có lý do. Năm 1975 có lúc tôi đã bị sa thải không có lý do và không có quyết định.

Người ta gây khó khăn cho tôi trong công tác, trong cuộc sống, cản trở tôi làm thêm ngoài giờ để có tiền nuôi con. Người ta bao vây, cô lập tôi, rêu rao tôi là phần tử xấu, vu khống tôi nhiều điều xấu xa trái ngược sự thật. Đã nhiều lần tôi làm đơn khiếu nại về sự đối xử của nhà trường, tôi viết rằng trong những năm qua làm việc ở trường tôi đã phải trải qua nhiều cơn hoang mang, chán nản đến cực độ.

Kính thưa ...

Không thể viết hết những nỗi đắng cay mà tôi đã phải chịu suốt 14 năm nay. Tôi bị tù oan, không có sự phán xét của tòa án - tức là trước pháp luật tôi không hề can án - vậy mà sau khi ra tù tôi hoàn toàn như người bị tù án treo vô thời hạn. Gần đây tôi hỏi ông Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng (2), Ban Tổ chức Trung ương về công tác, chính sách, chế độ và quyền lợi mà tôi được hưởng thì ông trả lời tôi là việc đó do Bộ Nội vụ giải quyết. Xin phép hỏi các đồng chí: ở nước ta có công dân nào lại do Bộ Nội vụ đặc biệt quản lý suốt 14 năm nay và còn về sau này nữa như tôi không? Trừng trị vô cớ một người phụ nữ đến như vậy thật là tàn nhẫn hết chỗ nói!

Bố mẹ đã thế thì con cái chúng tôi cũng nhất định chịu số phận tối tăm. Các cháu không được học hành đến nơi đến chốn, phải đi học nghề từ năm 17 tuổi để nuôi thân. Các cháu có nghề, có sức khỏe, nhưng không nuôi nổi thân mình, vẫn phải sống vào tiền lương ít ỏi (66đ) và sức lao động đang tàn tạ sau 10 năm lao lực nuôi con của tôi. Cháu lớn 25 tuổi, là công nhân cơ khí bậc 2, ít khi lãnh đủ lương vì thiếu việc làm. Khi xí nghiệp lấy người đi lao động ở nước ngoài, cháu làm đơn xin đi không được, vì lý lịch. Cháu bé trượt thi tốt nghiệp lớp 10 cũng vì lý lịch. Cháu ra nghề đã 15 tháng nay mà chưa được phân công, trong khi các bạn cùng học nghề với cháu đã đi làm từ lâu. Cũng vì lý lịch. Con trẻ phải chia sẻ đến cùng cái tội oan của bố mẹ.

Đau khổ quá, tôi những tưởng nước mắt tôi đã khô cạn mất rồi, nhưng khi viết đơn này, báo cáo với các đồng chí tấn thảm cảnh của cái gia đình khốn khổ của chúng tôi, tôi phải nghẹn ngào nước mắt...

Chúng tôi tin yêu Đảng, tin yêu chủ nghĩa cộng sản, tin yêu Liên Xô, do đó chúng tôi không thể không phản đối chủ nghĩa Mao và những người trung thành với nó, lúc đó đang mặc sức hoành hành ở nước ta. Thế nhưng chúng tôi lại hứng chịu tai họa: thân ngồi tù, danh mang tội “chống Đảng và làm tay sai cho Liên Xô”. Ôi, phi lý đến cùng cực? Công bằng ở đâu? Chính trực ở đâu? Lâu nay người ta vẫn xì xào vợ chồng tôi là “gián điệp của Liên Xô" thì nay người ta nghĩ thế nào khi người ta nói: "Đoàn kết, hợp tác với Liên Xó là vấn đề nguyên tắc và là một điều kiện quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng nước ta" (xã luận báo Nhân Dân ngày 4-7-1980)?

Viết đơn này, tôi xin nhân danh cá nhân một người mẹ, một người vợ và nhân danh oan hồn của chồng tôi, một đảng viên trung thành với lý tưởng cộng sản, trân trọng và tha thiết đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Hội đồng Chính phủ:

1) Xem xét lại vụ án đã bị kẻ xấu dựng lên và đặt cho cái tên "chống Đảng" và "làm tay sai cho Liên Xô", giải oan cho vợ chồng tôi cùng tất cả những đảng viên, cán bộ bị đẩy vào trong vụ này, phục hồi danh dự và trả lại mọi quyền lợi cho chúng tôi.

2) Xét xử Hoàng Văn Hoan (3) và bè lũ tay sai của bọn cầm quyền mao-ít Trung Quốc đã dựng lên vụ án này để bôi nhọ Liên Xô, chia rẽ Đảng ta với Đảng Cộng sản Liên Xô, hảm hại những đảng viên, cán bộ trung thành với Đảng, có tinh thần dũng cảm bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Tôi tin tưởng chân lý sẽ thắng và Đảng yêu quí của chúng ta sẽ tiến bước vững mạnh.

Xin chân thành bày tỏ trước lòng biết ơn của tôi. Kính gửi các đồng chí lời chào kính trọng.

Cuối cùng, ở đơn này, xin các đồng chí lắng nghe cho cả tiếng nói câm lặng từ cõi bên kia của anh Phạm Viết.

Hà Nội ngày 8 tháng 5 năm 1981
Nguyễn Thị Ngọc Lan



(1) Có lẽ đây là bản thảo cuốn sách “Về chủ nghĩa giáo điều” của ông Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện Triết Học. Bản thảo đã bị tịch thu mùa hè 1967 khi ông Chính bị bắt.

(2) Tức là ông Nguyễn Trung Thành, người nắm giữ chức vụ này từ 1962 đến 1988. Phải tới năm 1994, ông Thành mới nghiên cứu được toàn bộ hồ sơ “vụ án" và ngày 3-2-95 đã gửi thư cho lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu minh oan cho các nạn nhân (xem Diễn Đàn số 41, tháng 5-95). Năm tháng sau, ông đã bị khai trừ khỏi đảng (cùng với ông Lê Hồng Hà).

(3) Ngày nay, chúng ta biết rằng người chủ mưu vụ đàn áp này là ông Lê Đức Thọ; ông Hoàng Văn Hoan không có trách nhiệm cá nhân trực tiếp gì. Có thể giả định rằng khi viết thư này (năm 1981), bà Ngọc Lan cũng biết rất rõ điều ấy; lúc đó, ông Hoan đã bỏ trốn sang Trung Quốc, nên bằng cách chĩa mũi dùi vào ông ta, bà Ngọc Lan muốn mở đường ra cho lãnh đạo Đảng cộng sản.

1 nhận xét:

  1. Thật nhục nhã và đáng xấu hổ cho cái gọi là chuyên chính vô sản của ĐCS khi đối xử với những nạn nhân của họ, những người cs chân chính bị oan khuất, những người vợ con đáng thương của họ. Cả một bè lũ. đúng hơn là một guồng máy đồ sộ của nhà nước đặt ra để cho kẻ có quyền hành ngang nhiên hãm hại những người khác mà chúng hòng giam cầm đè bẹp ý chí phản kháng của họ...Thật ko lời nào đủ để lên án cái luật pháp đáng phỉ nhổ này. Tôi hoàn toàn ủng hộ nội dung bức thư và đòi hỏi phải trả lại công bằng cho họ và bao người bị oan khuất khác!!!

    Trả lờiXóa