Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Bài viết của ông Hoàng Minh Chính năm 1991 đóng góp ý kiến cho cương lĩnh của Đảng

Việc công bố lấy ý kiến rộng rãi cho Dự thảo cương lĩnh [DTCL] là một điều hiện nổi bật của tư duy mới. Báo Nhân Dân, ngày 3-12-1990 đăng bài nói chuyện của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, nhân dịp 35 năm xuất bản tạp chí Cộng Sản, có đề cập tới một số vấn đề thời sự nóng hổi của thực tiễn và lý luận và kêu gọi làm sáng tỏ. Tôi xin phép đáp ứng với lòng chân thành nói thắng nói thật, không e ngại phật lòng. Vì khuôn khổ hạn hẹp của hài báo, tôi chỉ xin đề xuất dưới dạng luận đề với vài đường nét chính chưa khai triển.

1. Một bài học, tôi thiển nghĩ, cực kỳ quan trọng của Đảng ta (mà các Đảng khác cũng đều mắc phải và đang hết lòng chữa chạy) là bệnh giáo điều tả khuynh ấu trĩ, từ đó phát sinh ra các bệnh tật khác. Thí dụ “Luận cương Trần Phú”, Tổng Bí Thư Đảng đầu tiên lấy đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản cực tả làm tư tưởng chủ đạo (từ tháng 10-1930) cho toàn bộ quá trình cách mạng - đối lập với “Chánh cương Nguyễn Ái Quốc” lấy đại đoàn kết dân tộc làm chiến lược cách mạng từ 3-2-1930 (1). Luận cương Trần Phú được lầm lẫn coi là Cương lĩnh Cách mạng đầu tiên chính thống suốt 60 năm qua - đã tác hại nghiêm trọng. Những phong trào khởi nghĩa nóng vội, những cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, những đợt sóng chỉnh đảng, chỉnh huấn, chỉnh đốn tổ chức đầy bạo lực, những đợt loại bỏ các trí thức văn nghệ sĩ có tư tưởng dân chủ cấp tiến; nhiều đợt vô hiệu hóa, loại bỏ, cầm tù những cán bộ trí thức các cấp trong và ngoài Đảng đã công khai phê phán chủ nghĩa giáo điều tả khuynh mao-ít và đòi tự do dân chủ cải thiện dân sinh, cải tổ bộ máy Đảng và Nhà nước; những thập kỷ hợp tác hóa nông nghiệp áp đặt, những đợt cải tạo tư sản, hợp tác hóa khẩn cấp ở miền Nam; tổng điều chỉnh, v.v... đều mang ấn dấu giáo điều tả khuynh của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao đã gây ra biết bao tổn thất sinh mệnh, tiền của, lực lượng sản xuất, mồ hôi, nước mắt, xương máu, tài năng và gây mất ổn định lâu dài trong xã hội còn di hại cho tới bây giờ.

2. Một bài học nữa cực kỳ quan trọng là đường lối chiến lược đoàn kết tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các sắc tộc, các chính kiến khác nhau dưới khẩu hiệu Đại Đoàn Kết - Đại Thành Công của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Nó ra đời từ ngày 3-2-1930 [với] tên gọi “Chánh cương vắn tắt” của Hội nghị Hợp nhất các đảng C.S. dưới tên gọi “Đảng Cộng Sản Việt Nam” - bị Trần Phú và Trung ương đảng lúc bấy giờ (kể cả Quốc tế Cộng sản - bị Stalin lũng đoạn) lên án là hữu khuynh, cải lương, dân tộc chủ nghĩa, mất lập trường giai cắp, buộc Nguyễn ái Quốc phải viết kiểm thảo. Tuy nhiên, lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh hùng hồn rằng khi nào vận dụng đúng đường lối Đại Đoàn Kết vĩ đại đó đều thành cóng rực rỡ. Thí dụ, Mặt trận Việt Minh (1945), Đại hội Dân tộc Tân trào (1945), Cách mạng Tháng 8 (1945), Chính phủ Lâm thời (1945), Chính phủ Quốc gia Liên Hiệp (1945-1946, bao gồm nhiều chính đảng và đại diện các giai cấp, tầng lớp dân tộc), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969) v.v… , và v.v… Tuy nhiên đường lối chiến lược đoàn kết dân tộc sáng suốt đó của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhiều phen bị vô hiệu hóa thay vì đấu tranh giai cấp quyết liệt dẫn tới những thất bại nặng nề như vừa điểm sơ qua trên.

Đường lối chiến lược Đại Đoàn Kết - Hòa hợp dân tộc theo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và như lịch sử đã chứng minh, không chỉ cần thiết trong cách mạng dân tộc dân chủ mà cho suốt cả cách mạng xã hội chủ nghĩa.

3. Dự thảo Cương lĩnh đánh giá tình hình thế giới theo mô hình giáo điều tả khuynh từ cách đây 30-40 năm, không nêu bật lên được đặc điểm cơ bản nhất và mới mẻ nhất của thời đại mới ngày nay thuộc nửa sau thập kỷ 90. Do đó D.T.C.L. mắc phải mâu thuẫn trong nội dung, rắm rối trong trình bày, lập lại các quan điểm lỗi thời, vừa bi quan, vừa lạc quan vô căn cứ, thiếu nhất quán dẫn tới định hướng đường lối chiến lược Cách mạng không phù hợp, thậm chí trái ngược tiến trình chủ đạo của thế giới loài người thời đại mới ngày nay.

Tôi xin phép đưa vài dẫn chứng điển hình:

Một là, từ sau thế chiến tranh II, suốt 45 năm nay, tuy trải qua những đợt khủng hoảng định kỳ không kém trầm trọng, chủ nghĩa tư bản phát triển thế giới, kể cả các nước TBCN chiến bại, do biết lợi dụng các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới, cách mạng sinh học, đặc biệt là cách mạng tin học, và luôn luôn biết tự điều chỉnh, tự thích ứng với môi trường cực động của thế giới, nên đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng, tuy chưa hết, và đã tiến bằng đôi hài bẩy dậm nhanh nhất thế giới (tiến từ nền văn minh công nghiệp qua nền văn minh tin học).

Ngay cả một loạt nước thuộc thế giới thứ ba cũng đã đang và trở thành những con Rồng (NICS). Còn thế giới xã hội chủ nghĩa (ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, kể cả ở châu Phi) vẫn cứ bị sa lầy trong hệ tư tưởng trừu tượng, trong chủ nghĩa giáo điều tả khuynh, không chịu thích ứng với thế giới khách quan của thế giới thời đại mới đang biến đổi như vũ bão hàng ngày, hàng giờ. Chính vì thế cũng trong thời gian 45 năm nay, chủ nghĩa xã hội thế giới tại lâm vào các cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - tư tưởng - xã hội - đạo lý tiềm ẩn trầm trọng triền miên - rồi nổ tung ra công khai vài năm gần đây, dẫn tới sự đổ vỡ tan tành của một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vẫn được coi là mạnh nhất trước đây. Liên Xô cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng. Khỏi kể tới các nước xã hội chủ nghĩa kém phát triển nhất. Mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực tan vỡ trước mắt toàn thể nhân loại, thậm chí chỉ trong vòng có một năm (năm 1989) do chính nhân dân các nước ấy tự nguyện phế bỏ. Như vậy, không thể gán ép tùy tiện khiên cưỡng rằng đó là chủ nghĩa tư bản đế quốc tấn công từ bên ngoài bằng “diễn biến hòa bình”. Phải dũng cảm tỉnh táo mà nhận rằng, dù có cay đắng đến đâu đi nữa, đó là do căn bệnh ung thư tiềm ẩn trong cơ thể xã hội chủ nghĩa tới độ chín nẫu vỡ tung ra.

Tuy nhiên, D.T.C.L vẫn cứ khẳng định hệt như ba bốn chục năm trước, rằng: thế giới hai phe và bốn mâu thuẫn cơ bản “cuối cùng dẫn chủ nghĩa tư bản tới sự tan rã không sao tránh khỏi”, rằng “Nội dung cơ bản của thời đại chúng ta vẫn là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới”, (D.T.C.L., chương II, điểm 1). Rõ ràng đây là mô hình đấu tranh giai cấp cực đoan - chuyên chính vô sản khiên cưỡng, áp đặt thế giới loài người thực tại khách quan ngày nay phải nằm gọn trong cái giường Procuste tí tẹo.

Loài người đang chứng kiến đặc điểm cơ bản nhất, kỳ diệu nhất của thời đại chúng ta, thậm chí ngược đời không thể nào hiểu nổi đối với những người giáo điều. Đúng! Chỉ mới ngày hôm qua, thế giới đang hoảng loạn trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân bởi hàng núi tên lửa mà sức hủy diệt toàn thể loài người tới 15 lân vào bất kỳ giây phút nào. Vậy mà, ngày hôm nay, bóng ma chiến tranh thế giới đã biến mất, chiến tranh lạnh cũng kết thúc (tuy nhiên vẫn còn chiến tranh khu vực), nhường vị trí cho đối thoại giữa các dân tộc các quốc gia, trong LHQ, cùng nhau hợp tác giải quyết các vấn đề nóng bỏng khác đang đe đoạ sự tồn vong của cả loài người. Cái mốc lịch sử là Nghị quyết của Hội nghị An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE) họp tháng 11-1990 - được mệnh danh là Hiến chương Paris - mở đầu cho Thời đại Hòa bình - Hữu nghi - Hợp tác. Con đường còn dài, đầy gian nan, nhưng bước đầu đã khai thông đặt mốc.

Một đặc điểm nữa cực kỳ quan trọng của thời đại chúng ta là loài người đã bước vào nền văn minh thứ ba - NỀN VĂN MINH TIN HỌC. (Nhưng buồn thay, Việt Nam ta vẫn đang sa lầy trong nền kinh tế hầu như Trung cổ, mà tuyệt đại bộ phận là nông nghiệp lạc hậu, tiểu sản xuất, thủ công, tự cấp tự túc). Nền văn minh tin học (Nền VMTH) là đỉnh cao của nền văn minh hậu công nghiệp mà lực lượng chủ đạo là giá trị của khu vực thông tin cộng với giá trị của khu vực dịch vụ chiếm cả thảy gần 70% tổng giá tri tổng sản phẩm xã hội (PNB) - nó chi phối toàn bộ phần còn lại của nền kinh tế quốc dân. Đặc trưng của thời đại văn minh này là lao động trí tuệ sáng tạo của các loại hình khoa học - kỹ thuật - công nghiệp hiện đại “tin học hóa” là động lực chủ đạo của nền kinh tế quốc dân và của mọi hoạt động văn hóa xã hội trong nước và thế giới có sự gắn bó liên kết hữu cơ với nhau, chịu tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau thành một hệ thống tổng thể toàn thế giới không thể chia cắt được, giống như một hệ tự động tự điều chỉnh thống nhất không lồ của toàn thể loài người. Nền VMTH buộc các nhà nước, các quốc gia, dân tộc, mọi người phải kịp thời đổi mới định tín tận gốc rễ mọi quan niệm: về thời đại, về hệ thống xã hội, về đấu tranh giai cấp, quốc gia và quốc tế, về độc lập và phụ thuộc lẫn nhau, an ninh và hòa bình, tương quan giữa vị trí kinh tế và quân sự trên thế giới, về cường quốc và siêu cường, về lao động chân tay và lao động trí tuệ, về nhu cầu cuộc sống, nhu cầu tinh thần, tự do hạnh phúc của từng con người cụ thể, v.v... - tóm lại về tất cả mọi vấn đề thiết yếu của Nhà nước, xã hội, con người, loài người.

Nền VMTH vừa thu nhỏ quả đất lại, vừa gắn bó các dân tộc, các quốc gia, các giai cấp, các nền văn hóa của nhân loại, vừa thay đổi bản chất các quan niệm cũ về không gian và thời gian, về hiện tại và tương lai, về giống nòi và đồng loại...

Như vậy, dân tộc nào muốn đạt tới nền VMTH, điều quan trọng hàng đầu là phải đổi mới tư duy, phải thoát khỏi sự trói buộc của phương pháp luận và hệ tư tưởng giáo điều bảo thủ, phải đặt lên hàng đầu lao động trí tuệ - giới khoa học, bác học, kỹ sư năng động sáng tạo - và phải ứng dựng nền giáo dục hiện đại trong toàn dân, phải chạy đua tiếp thu các thành tựu mới nhất của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, mà trước hết là tin học. (2)

Chính những đặc điểm cơ bản nhất ấy của thời đại đòi hỏi phải khách quan xem xét quyết định các cương lĩnh chiến lược, chương trình, phương pháp của bất kỳ quốc gia nào. Các Mác từng nhấn mạnh câu: “Cây đời muôn thuở xanh tươi, còn các lý thuyết đều xám ngoét, khô khốc”.

4. Dự thảo Cương lĩnh cũng thiếu xuất phát từ thực tại khách quan Việt Nam, mà chỉ lấy hệ tư lửng trừu tượng làm tiên đề. D.T.C.L. nhận định đúng rằng nước ta là “một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ” mà LHQ hiện nay phải xếp hạng là một trong 10 nước nghèo khó nhất trong tổng số 160 nước thành viên của LHQ. Tuy nhiên, D.T.C.L lại viết tiếp: “Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội... bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” (D.T.C.L., chương II, đ.2). Trong khi các nước XHCN Đông Âu cũ vượt xa hơn Việt Nam về toàn diện tới cả nửa thế kỷ, mà họ còn thua kém tới vài thập kỷ so với Tây Âu, nay nhân dân họ đang phải xét lại phương hướng đường đi của đất nước mình. Việt Nam, với nền kinh tế tiền tư bản cực kỳ lạc hậu muốn bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa mà tiến thẳng lên XHCN - Vậy bằng cách nào?? Con đường do Lenin chỉ vạch ra là “Phải được nước đã hoàn thành công cuộc xây dựng CNXH phát triển cao, chìa bàn tay anh em ra giúp đỡ trên mọi bình diện để dẫn dắt lên”! Nay không có bất kỳ một “nước XHCN anh cả” nào như vậy. Một phần vì khối SEV đã tan rã cũng do cơ chế giáo điều, bảo thủ, khép kín, phi tính kinh tế thị trường. Các nước XHCN còn lại đang cơn khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng, tự mình không đủ sức cứu thân mình khỏi nói tới cưu mang ai. Và tất cả đều phải nhập cuộc kinh tế thị trường quốc tế, thanh toán sòng phẳng bằng ngoại tệ mạnh USA. Còn nếu muốn từ một nền kinh tế tiểu nông, tiền tư bản, cực kỳ lạc hậu như nước ta mà bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN “tự lực tự cường tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội” thì cả Mác lẫn Ăng-ghen, cả Lê nin đều phủ nhận con đường đó là phản khoa học, phi tính lịch sử, ảo tưởng. Vậy chỉ còn lại một giải pháp duy nhất là dựa vào các nước TBCN phát triển giúp cho ta, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN mà tiến lên CNXH. Quả là một nghịch lý có thật mà ta đang muốn thực hiện.

5. Cuối cùng, tôi xin phép mạnh dạn kiến nghị năm điều:

Điều thứ nhất là kiên quyết từ bỏ phương pháp luận giáo điều mao-it, không lấy hệ tư tưởng trừu tượng bất kể là gì làm tiền đề xuất phát, mà phải lấy thực tại cuộc sống của nhân dân, lấy yêu cầu nguyện vọng cháy bỏng của các giai cấp xã hội Việt Nam đang rên xiết trong cuộc đại khủng hoảng toàn diện hiện nay, làm đối tượng mà vạch ra đường lối, chiến lược, sách lược trên cơ sở Đại Đoàn Kết - Hòa hợp dân tộc, khẩn cấp cứu nguy dân tộc ngay trong một vài năm trước mắt đây.

Điều thứ hai là phát huy mạnh mẽ tới hết cỡ các tiềm năng, vật lực, nhân lực, tài lực trí tuệ phong phú của tất cả các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, sắc tộc trong nước và Việt kiều, từ nhà tư bản, nhà hữu sản đến người công nhân, nông dân, trí thức miền xuôi, miền núi, theo đúng chính sách 5 thành phần kinh tế bình đắng trước pháp luật, không bao cấp, chống độc quyền. Pháp chế hóa các chính sách. Kinh tế thị trường đòi hỏi phải phục tùng các quy luật cung cầu, cạnh tranh công khai hợp pháp, năng động sáng tạo, lợi nhuận cao, phải tư nhân hóa và đa dạng hóa sở hữu (3).

Điều thứ ba, tháo gở tích cực mấy vấn đề quan hệ quốc tế nóng bỏng nhất, theo tư duy mới của thời đại như LHQ đã đề xướng, để mở đường cho sự đầu tư vốn từ ngoài, để tiếp thu kỹ thuật công nghệ hiện đại, và kinh nghiệm quản lý năng động sáng tạo của các nước TB phát triển, NICS và ASEAN. Xây dựng vài đặc khu kinh tế tự do dọc duyên hải bằng vốn nước ngoài (theo kinh nghiệm Thẩm Quyến - TQ). Mạnh dạn quyết tâm vươn lên thành con rồng thứ 5 hoặc thứ 6 trong 1 - 2 thập kỷ tới.

Điều thứ tư, mạnh dạn gác lại mục tiêu coi là “trước mắt và lâu dài xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Cần nghiên cứu cẩn trọng, lâu dài không vội vả. Bởi vì CNXH trên lý thuyết đo Mác - Ăng-ghen Lê nin (M-E-L) sáng lập chỉ mới ở dạng thức tư duy trừu tượng, giả định. Bản thân các ông cũng đã phải thay đi đổi lại nhiều lân, và nhiều dự báo của các ông đã bị thời gian phủ định. Còn CNXH hiện thực đã bị đổ vỡ ở một loạt nước, ở vài nước còn lại thì đang thử nghiệm xây dựng lại từ đầu. Đến cả các nhà bác học viện sĩ lừng tiếng suốt đời nghiên cứu làu làu lý luận M-E-L và các mô hình CNXH hiện thực ngày nay cũng chịu không trả lời nỗi câu hỏi: CNXH là thế nào? Nếu ta cứ đi vào xây dựng một xã hội gọi là XHCN rồi tùy tiện gán ép những tiêu chuẩn này nọ thì lại rơi vào đường mòn chủ nghĩa duy tâm và duy ý chí tư biện như suốt 50-70 năm qua các nước XHCN (vốn là anh em của Việt Nam) đã làm và đều thất bại thảm hại.

Ta hãy quyết tâm hồi phục lại “Chánh cương Nguyễn Ái Quốc” đã được lịch sử CMVN kiểm nghiệm và đã thành công bước đầu vào các năm 1945-1955. Đó là Cương lĩnh “Cách mạng tư sản dân quyền” do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo sáng tạo xuất phát từ truyền thống văn hóa, đời sống nhân dân và yêu cầu thiết tha của các giai tầng và toàn thể dân tộc, theo đường lối chiến lược Đại Đoàn Kết - Hòa hợp dân tộc, người cày có ruộng (sở hữu tư nhân ruộng đất), các giai cấp, các tầng lớp tự do sản xuất kinh doanh, tự do thuê mướn nhân công, tự do hành nghề đối với trí thức, tự do bán sức lao động; Nhà nước thu thuế theo lũy tiến. Những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi. Cuộc CM tư sản dân quyền ấy mới chỉ bắt đầu cần được tu chính cho phù hợp với thời đại mới ngày nay để tiếp tục cho tới hoàn tất. Một cuộc cách mạng vĩ đại như vậy các nước TBCN phải mất từ 100-200 năm để thực hiện. Thí dụ nước Pháp bắt đầu bằng cuộc CMTSDQ năm 1789 - mất 200 năm. Nhật Bản từ cuộc CM cung đình Minh trị thiên hoàng bắt đầu bằng phái đoàn Iwakura năm 1871 - mất 100 năm. Mỹ quốc từ năm 1787 - đúng 200 năm. Nước Nhật sau 120 năm cách mạng cải tổ đã trở thành siêu cường kinh tế số một trên thế giới, được các nước vì nề và học tập kinh nghiệm quản lý kinh tế.

Điều thứ năm - Khẩu hiệu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được thế giới ca ngợi. Chủ tịch còn nói: “Độc lập mà không có tự do dân chủ thì chỉ là độc lập hình thức”. Một vị ở cấp lãnh đạo cao nhất Nhà nước đã phải thốt ra từ đáy tâm can tại tòa báo Đại Đoàn Kết cuối năm 1989 rằng: “Ở nước ta đã làm gì có dân chủ mà nói là mở rộng dân chủ?” Đó là sự thật đắng cay bi thảm. Vậy nguyên nhân sâu xa của tình trạng không có dân chủ, mà chỉ có dân chủ hình thức, dân chủ rởm là ở đâu? Trước hết là do Đảng đã pháp chế hóa quyền lực của mình bằng điều 4 ghi trong Hiến pháp năm 1980 rằng: “Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Quyền lực tuyệt đối này được các cán bộ đảng các cấp, đặc biệt là các cán bộ thoái hóa biến chất, dùng làm vũ khí lộng quyền, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, đàn áp dân, lừa dối, đạo đức giả. Các cán bộ Đảng cấp từ Trung ương xuống tận cơ sở, họ là người thay mặt Đảng, quyền lực tuyệt đối của Đảng trở thành quyền lực tuyệt đối của cá nhân họ, nhất là của các ủy viên Thường vụ, đặc biệt là của Bí thư - là họ nói là lời Đảng nói. Như vậy quyền uy không phải đo tài năng, không do đạo đức cao quí, cũng không do nhân tâm tín nhiệm bầu ra. Bất kể ai, hể trúng cấp ủy tức khắc là có ngay quyền lực tối cao đó. Và một khi đã có quyền lực tối cao là sẽ có tất cả mọi thứ trên đời. Sự tha hóa tất yếu nẫy sinh từ cội nguồn này. Từ đó Đảng xa dân làm dân xa Đảng, sợ Đảng, rồi mất lòng tin vào Đảng.

Cũng do điều 4 đó của Hiến pháp mà cấp ủy Đảng đứng cao trên hết, trùm lên hết và ra lệnh cho tất cả các cơ quan bộ máy Nhà nước, từ cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp tới cơ quan lập pháp; khỏi nói tới các đoàn thể quần chúng và Mặt trận. Lịch sử 50 - 70 năm của tất cả các Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã chứng minh tính quy luật tất yếu: độc quyền kinh tế, độc quyền chính trị, độc quyền tư tưởng, độc quyền thông tin, độc quyền chân lý đều dẫn tới cực quyền, độc tài, loại trừ lất cả mọi hình thái dân chủ dù cho sơ đẳng nhất. Chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao xuất hiện từ cơ chế cực quyền đó và đã vượt xa tất cả các chế độ tàn bạo nhất xưa nay, kể từ bạo chúa Tần thủy Hoàng cho tới Hít-le phát xít. Ngay tại Trung quốc đã vang lên lời phán quyết: tư tưởng Mao Trạch Đông là sự chuyên chế trung cổ tàn bạo cộng với chủ nghĩa phát xít man rợ. Để có nền dân chủ thực sự chỉ có một con đường là làm đúng lời khuyên của Lênin là: “chúng ta không loại bỏ những khẩu hiệu dân chủ tư sản, mà thực hiện cái dân chủ trong những khẩu hiệu đó một cách triệt để hơn, đầy đủ hơn, kiên quyết hơn” (V.I. Lê nin, Toàn tập, NXBTB, Matxcơva 1980, t.27, tr. 558).

Lịch sử loài người cho tới nay chỉ mới đưa ra được một cơ chế duy nhất dân chủ (tuy chưa phải là tối ưu) - đó là cơ chế Tam quyền phân lập, Nhà nước Pháp quyền, Nghị viện Tổng thống chế, đa nguyên, tự do báo chí (4) có khả năng hạn chế được tai họa phát sinh Cực quyền đảng trị, tuy chưa đủ sức diệt trừ tận gốc.

Hy vọng rằng trong tương lai, với sự phát triển các ưu điểm của cơ chế dân chủ tự do của chủ nghĩa tư bản hiện đại (tuy rằng chủ nghĩa tư bản chưa phải là mô hình xã hội lý tưởng hết bệnh tật) định hướng theo lý tưởng nhân đạo tuyệt vời của chủ nghĩa xã hội (5) loài người trong các thế kỷ đầu thiên niên thứ III sẽ tìm ra được một cơ chế xã hội dân chủ tự do triệt để vì hạnh phúc con người. Lênin đặc biệt rất coi trọng nền văn hóa, khoa học, kỹ thuật tư bản chủ nghĩa và thu hút các chuyên gia tư sản. Ông nhiều lần nhấn mạnh: “Sẽ không đạt được bất kỳ kết quả khả quan nào trong công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa nếu như tất cả các cơ quan phụ trách của Đảng, chính quyền xô-viết, các công đoàn không hết lòng quan tâm, bảo vệ, như bảo vệ con ngươi của chính mắt mình, mọi nhà chuyên môn có khả năng và tình yêu nghề nghiệp, để họ làm việc tự nguyện, ngay dù về mặt tư tưởng họ không đồng tình với chủ nghĩa cộng sản đi nữa” (trích Phụ trương Tuần san “Tin Tức Matxcơva”, số 13, tháng 3-1990, tr.7, dưới đầu đề “Như là con ngươi của mắt chúng ta”, Boulat Zabirov).

Hiện nay các nước Đông Âu và cả Liên Xỏ đều đã từ bỏ chế độ cực quyền mà chuyển sang chính thể đại nghị.

Liên Xô với các chiến tích và đầy bi kịch đẫm máu do lịch sử để lại, đang trong cơn vật vã lột xác cải tạo cách mạng tận gốc rễ nhà nước nhằm chuyển thành Chủ nghĩa xã hội nhân đạo và dân chủ đích thực. Các nước Mông Cổ, Anbani, v.v... dù muộn màn cũng bắt đầu đi vào đại lưu dân chủ hóa đó. Đó là những kinh nghiệm quan trọng đáng cho ta suy ngẫm.

Sau hết, tôi rất mong rằng bạn đọc sẽ vui lòng phê phán bài báo này và tham gia tranh luận khoa học để cùng tiếp cận chân lý.

Xin rất cám ơn.

Ngày 22-1-1991
Hoàng Minh Chính
Nguyên Viện trưởng Viện triết học, thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước
Địa chỉ riêng: 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét