Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Thư ngỏ của ông Phùng Văn Mỹ gửi ông Nguyễn Trung Thành

Thưa ông,

Trước hết, tôi xin phép tự giới thiệu: tôi là Phùng Văn Mỹ, bút danh Cam Ly, một người viết báo không có tên không danh sách hội viên của Hội nhà báo quốc doanh, một trong số mấy chục nạn nhân của cái gọi là “Vụ án tổ chức chống Đảng. chống Nhà nước, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.

Sau khi đọc lá thư của ông đề ngày 3-2-1995 gửi các quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước, tôi thật sự xúc động. Không xúc động sao được vì từ mấy chục năm nay, đây là lần đầu tiên tôi được đọc một lá thư “xưa nay hiếm” của một quan chức có quyền lực đã có lòng tự trọng và dũng khí tự phủ định mình để trở về đứng bên nhưng người dân lành. Điều này không thể không nói ra vì đã từ lâu rồi, một số khá đông quan chức tự cho mình cái quyền đứng trên vai quần chúng ban phát những lời dạy bảo, những ân huệ lặt vặt và tự cho mình cái quyền không thèm trả lời những đơn từ kêu oan, kêu khổ của người dân.

Đối với các quan chức của Đảng thì xin miễn nói, tôi chỉ đề cập đến quí vị trong các cơ quan dân cử luôn luôn tự nhận mình là “của dân, do dân, vì dân” và không ngớt rao giảng câu thần chú “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tôi cũng muốn nói đến các vị thần được Trời giao cho cai quản việc thi hành phép nước nhưng vì mắt các ngài quen đeo kính râm, miệng các ngài mãi nốc rượu sâm banh và nhấm nháp các vị đặc sản, tai các ngài mải lắng nghe những lời dặn dò, huấn thị nên cán cân công lý cứ nghiêng hoài về phía tội ác.

Cùng với các bạn tôi và nhiều công dân khác, tôi thành thật cảm ơn ông vì tiếng nói nghiêm túc, thận trọng, trung thực, có căn cứ phát ra ngày hôm nay của ông - một cán bộ chủ chốt có trọng trách, có quyền lực (ngót 40 năm trong ban Tổ chức Trung ương, ngót 30 năm là vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng) - chắc chắn là tiếng nói của sự thật. Vì nằm trong chăn lâu ngày nên ông rất am hiểu qui luật sinh hoạt và vận hành của những con rận.

Tôi không thuộc Lênin lắm, chỉ mang máng nhớ rằng Lênin đã từng nói: “Chỉ có đảng nào vĩ đại mới dám công khai bộc lộ những khuyết điểm của mình, và chỉ có đảng nào thấp hèn mới dám che giấu tội lỗi mà thôi”.

Như vậy thì làm sao chúng tôi lại không thể không hoan nghênh ông.

Sau những dòng phi lộ trên, tôi xin được bàn về hai chữ “cứu” và “oan” trong đề nghị của ông: cứu 32 đảng viên bị xử trí oan khuất gần 30 năm nay...

Chữ “cứu” nếu được nói cách đây 25 năm thì đẹp và quí biết chừng nào! Có lẽ không ai thấm thía ý nghĩa câu: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” bằng những người không bị một tòa án nào luận tội mà cứ phải nằm dài trong xà lim cá nhân suốt mấy nghìn ngày, trong khi vợ con họ ở ngoài tù bị ruồng bỏ, xa lánh như những con hủi do chính sách phân biệt đối xử.

Còn ngày nay, chữ “cứu” chẳng có ý nghĩa gì vì chữ thì vẫn thế, mà thời thì đã khác xa rồi.

Hiện nay về đời sống vật chất, có thể nói anh em chúng tôi tạm đủ sống như những người dân bình thường, có nghĩa là không đến nỗi dứt bữa, không đến nỗi rách rưới nhếch nhác. Còn về mặt tâm hồn, thì chúng tôi đang sống một cuộc sống thanh thản, không còn bị trói buộc vào một cơ chế máy móc nào. Chúng tôi đang thực hiện lời dạy của người xưa: “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Và như thế thì cần gì phải có ai “cứu” nữa. “Cứu” để rồi được trở lại cách sống cũ ư? Quả là một điều hãi hùng!

Có người nói: "cứu" là cứu sinh mạng chính trị. Câu nói ấy cách đây hai mươi năm thì còn có ý nghĩa, vì sinh mạng chính trị được hiểu là đứng trong tổ chức đảng, do đó được hưởng nhiều thứ bổng lộc, nhiều thứ quyền lợi đặc biệt. Ngày nay, cách hiểu ấy không còn đúng nữa, cái thước đo giá trị của một con người là phẩm chất đích thực của người ấy, chứ đâu phải là chỗ ngồi trong bộ máy quyền lực và hưởng thụ. Có phải ngẫu nhiên đâu mà những kẻ tham nhũng cỡ bự và siêu bự hầu hết lại là những đảng viên? Và đâu có phải là chuyện bịa đặt hay vu khống khi người dân thường nói oang oang giữa chợ rằng “những người hay lui tới nhậu nhẹt trong các khách sạn, nhà hàng sang trọng, những người đú đởn, phê phởn trong các hộp đêm quý phái, tung tiền qua cửa sổ hàng triệu, hàng triệu mỗi ngày hầu hết là đảng viên cả đấy!”

Kể ra, nếu chúng tôi có thêm thu nhập về vật chất để đời sống đỡ khó khăn hơn thì cũng tốt (mà nếu không có thì suốt mấy chục năm qua cũng chẳng chết!) Nhưng cứ nghĩ đến cái cảnh phải xếp hàng trông chờ vào bàn tay tế độ của những người “hảo tâm” sau khi chờ đợi được xét duyệt lý lịch thì thật đáng sợ!

Tại sao chúng ta lại không có quyền được hiểu chữ “cứu” theo một cách khác? Thí dụ, “cứu” đây là cứu dân tộc đau thương và ngàn lần yêu quí của chúng ta không còn tái diễn cái cảnh xô xuống vực khổ ải hàng ngàn, hàng vạn người vô tội khác. Hoặc thí dụ “cứu” đây là cứu đảng. Nếu đảng còn muốn lãnh đạo đất nước trở thành một đất nước giàu mạnh, công bằng, văn minh thì không thể khác là trước hết đảng phải tự cứu mình. Hoặc “cứu” đây là cứu những kẻ hoặc cố ý, hoặc vô tình đã bày đặt ra chuyện này chuyện khác mà người đời gọi là vu oan giá họa cho nhau để duy trì quyền lực kèm theo danh lợi. Được như vậy thì những ai đã từng nhúng tay vào tội ác, nếu còn sống. sẽ đỡ đi bao năm tháng dằn vặt, cắn rứt của lương tâm; nếu có chết đi cũng được thanh thản nhắm mắt và để rồi cái quả phải hứng chịu sau này cũng được Trời Phật giảm cho đến mức ít nhất.

Với cách hiểu như trên, chúng tôi sẵn sàng làm cái việc “cứu” đó, sẵn sàng thi ân cởi oán để nhắm vào lợi ích chung: Tổ quốc trên hết, nhân dân trước hết.

Trong những năm tháng ôm mối hờn giận (sao lại không?), chúng tôi không hề trở thành kẻ vong ân, quên đi cái “ân huệ” mà các ngài nắm giữ các cơ quan quyền lực đã dành cho. Thật vậy, nhờ các ngài ấy chúng tôi mới được trở lại cuộc sống đích thật của con người, dù có hàng núi vàng dễ gì đã mua được. Bởi nếu cuộc đời của chúng tôi cứ bị buộc phải trôi theo dòng sông quan liêu thì chắc gì chúng tôi không trở thành những kẻ hãnh tiến, những tên tham nhũng... hoặc may mắn hơn, chỉ mãi mãi cam phận làm những đinh ốc vô hồn trong một cỗ máy hay làm những công chức “sớm vác ô đi tối vác ô về”.

Cái guồng máy cơ chế cũ quay, ai đi ngược chiều nó sẽ bị nó nghiền nát, các ngài quan chức và tất cả mọi người dân đều phải xoay chiều theo nó, đều là nạn nhân. Vậy oán trách liệu có ích gì!

Nay xin nói đến chữ “oan”.

Trên đời thường có cái oan “cộng nghiệp” và cái oan “biệt nghiệp” Cộng là cái oan chung cho cả một dân tộc. Biệt là cái oan riêng của từng người. Vì cái chung của dân tộc nên chúng tôi mắc vòng “oan nghiệp”, gánh chịu nó thay cho nhiều người. Thế thì cái oan đâu chỉ là uất hận, mà nó còn là cái thiện, cái mĩ. Nếu không có cái oan của Nguyễn Trãi - Thị Lộ thì niềm tự hào dân tộc dựa vào đâu để nói lên sự chính trực và nhân nghĩa soi sáng cho đương thời và mãi mãi về sau.

Đối với nỗi oan biệt nghiệp, những con người có tấm lòng nhân ái chẳng nỡ làm ngơ. Vì thế, đời mới sinh ra những Bao Công, những Tô Hiến Thành. Vậy thì, đối với những nỗi oan cộng nghiệp, chắc chẳng ai nỡ để chúng bị chìm đắm trong sự lãng quên lạnh giá vì bất kể ai trong cộng đồng, dù điều kiện xã hội khác nhau cũng đều mang một nỗi đau chung.

Hiểu như thế nên chúng tôi chẳng bận tâm nhiều đến nỗi “oan” của riêng mình. Vả lại có gì là oan khi mình đã làm cái điều mà mình cho là hợp lẽ? Có cái hợp lẽ nào mà chẳng vấp phải sự chống trả quyết liệt, tàn khốc của cái không hợp lẽ? Sự đời là như vậy.

Từ nhiều năm nay, nhân dân đã làm cái việc “giải oan” cho chúng tôi rồi. Giải oan thật sự chứ không phải là màn trình diễn ảo thuật hay một tiết mục sân khấu. Đông đảo những con người trung thực và tốt bụng đều dành cho chúng tôi những nụ cười thông cảm, những lời nói chân tình, những tình cảm thắm thiết và một thái độ kính trọng. Có những người đã quá yêu chúng tôi khi nói rằng: nếu không có những người như các ông đã tự nguyện làm những viên đá lót đường cho lịch sử đi lên thì không biết đất nước mình đến bao giờ mới đi tới chặng đường ngày hôm nay!

Chúng tôi xin thành thật bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những ai đã hiểu chúng tôi.

Vậy thì, rốt cuộc những anh em nạn nhân trong “Vụ án xét lại” này đã mất hay được? Nếu nói chỉ có được mà không mất thì thật là giả dối và lên gân một cách kệch cỡm. Chúng tôi mất nhiều lắm chứ! Mất cả một phần đời gồm những năm tháng sung sức nhất cả về thể lực lẫn tinh thần. Hơn chục người trong vụ đã chết vì nghèo đói, vì kiệt sức, vì tâm trạng đau đớn. Bao nhiêu gia đình đã bị tan nát hoặc sống nheo nhóc, vất vưởng vì bị bao vây. Đó là sự thật trần trụi, không thể và không được phép tô son trát phần để hóa trang.

Nhưng triết lý của cuộc sống đã cho thấy:

Có cái mất để trở thành cái được.
Cuộc sinh nào mà tránh khỏi cơn đau!


Đúng là chúng tôi cũng đã được và cái được lại rất lớn, đến nỗi nó át cả cái mất nữa. Khổ thay, vì cái mất thì sờ sờ ra trước mặt, ai cũng nhìn thấy, còn cái được thì trầm lặng, khó thấy, nên một số không ít bà con, anh em, bè bạn thường cứ ái ngại cho chúng tôi.

Trong cái mất, chúng tôi thấy cái được và cái được lớn nhất, vô giá, đó là sự giải thoát. Vì thế, quả là bất công nếu có ai đó mang lòng thương hại chúng tôi. Tự do ở thời nào cũng quý, nhưng thứ tự do có được bằng sự đổi chác hay áp đặt thì không đáng giá một xu. Chỉ có sự tự tại mới là thứ tự do mang tính tuyệt đối

Thưa ông Nguyễn Trung Thành, tôi xin gửi tới ông lời chào kính trọng và tin cậy.

Thân ái.

Phùng Văn Mỹ
Hà Nội. 12-3-1995

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét