Phần 11 Suy nghĩ thì như thế, và nói vụng ở đâu thì nói, nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến việc tìm cách đưa những quan điểm riêng của mình công khai lên báo. Rất đơn giản: có hóa rồ thì mới làm như vậy. Ai đã làm báo dưới thời chuyên chính vô sản đang cực thịnh thì hiểu rõ điều đó. Bây giờ có anh em còn hỏi tôi: Thế hồi ấy cậu đã viết những gì? Làm như thể tôi bị bắt là vì đã viết gì vậy. Nào có viết gì đâu cho cam! Hỏi cung tôi, ông Nhuận cũng bắt tôi khai ra những bài nào tôi viết chống lại đường lối của Đảng. Tôi đã đáp:
- Báo chí, sách vở là chuyện giấy trắng mực đen, tôi giấu làm sao được, đề nghị các anh cứ đọc lại thì rõ.
Việc đó chắc là ông ta không đợi tôi nói, đã làm lâu rồi, cho nên ông ta không gặng thêm gì nữa, coi như chỉ hỏi chơi một câu để nắn gân thôi.
Quả thật tôi quá hiểu rằng muốn yên ổn thì không nên đùa với kỷ luật của Đảng. Nhưng đó mới là một mặt. Còn một mặt khác. Từ lâu tôi đã được học rằng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác Lênin là một tổ chức chiến đấu chứ không phải một câu lạc bộ tranh luận. Do đó phải có kỷ luật sắt: cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số v.v... Muốn chiến đấu thì đúng là phải như thế thật. Tôi đã chấp nhận điều đó như một tất yếu. Và đã nhận thức là tất yếu thì tốt hơn hết là nên tự giác mà thực hiện, dù đôi lúc có khó chịu đến mấy. Và cũng có thể tự an ủi rằng dẫu sao mình cũng là người tự do, vì đứng về mặt triết học, thì tự do là tất yếu được nhận thức.
Cho nên chúng tôi luôn luôn tự kiểm duyệt mình, còn nghiêm khắc bằng mấy bất cứ cơ quan kiểm duyệt nào. Chỉ cần cấp trên bảo tuyên truyền ngang bằng giữa Liên xô và Trung quốc thì khi đăng một bài về Liên xô, tự chúng tôi phải lo ngay đến kèm theo một bài về Trung quốc. Bài này dài 2000 chữ thì bài kia cũng suýt soát, hơn kém không đáng kể. Bài này đăng trang một thì bài kia trang nhất. Cùng ở đầu trang hay cuối trang, tốt nhất là song song như hai câu đối. Và đầu đề của hai bài phải cùng một co chữ, tốt nhất là cùng một kiểu. Thực ra tất cả những cái đó đều dễ vì có thể đo đếm được. Cái khó là viết nhiệt tình như nhau. Vì nhiệt tình là cái không cân đong được. Vả lại viết về Lôi Phong mà cũng nhiệt tình như viết về Gagarin thì quả thật là khó.
Cho nên sau khi cho tổng kiểm tra báo Quân Đội Nhân Dân, Tổng Cục cũng chỉ đưa ra được vài kết luận đại khái: nặng về mặt nọ, nhẹ về mặt kia v.v... Thực ra thì ý định của cấp trên là thanh lọc tòa soạn. Lý do đã có: tổng biên tập ở lại Liên xô, nhiều cán bộ bảo lưu quan điểm riêng trong học tập Nghị Quyết 9. Nhưng chỉ dựa vào lý do đó để thanh lọc thì không hay lắm, cần có những sai lầm cụ thể.
Trong những năm chúng tôi sống hài hòa với Đảng, tòa soạn chúng tôi là một tập thể trẻ trung, tràn đầy nghị lực và vui nhộn. Dưới sự thúc đẩy của Văn Doãn, chúng tôi đua nhau học, đua nhau động não để làm cho tờ báo mỗi ngày một mới, một hay hơn. Hăng cải tiến như vậy nên không tránh khỏi sơ suất. Và chính vì một vài sơ suất nhỏ trong trích dịch những chuyện lạ thế giới đăng trên báo chí nước ngoài mà bị ông Thanh gọi là báo Sicagô (Chicago). Nó là như thế chứ không phải là báo Quân Đội Nhân Dân đã đăng ảnh đùi vế hoặc hoa hậu. Có ảnh phụ nữ, nhưng phải là nữ du kích, tay cầm súng hẳn hoi, còn có nhắm bắn hay không thì không nhất thiết.
Từ sau Nghị Quyết 9, cái tòa soạn ấy đã trở thành một nhà có đám. Ngơ ngác và âm thầm, giữ mồm giữ miệng. Tệ hơn thế, chúng tôi đã bắt đầu đề phòng nhau. Chẳng biết ai thế nào. Từ đâu mà cái việc con trai Văn Doãn đến nhà tôi học đã tới tai Tổng Cục?
Lúc ấy Hoàng Linh là quyền tổng biên tập, thay Văn Doãn. Anh gần như trở thành một cái bóng thầm lặng. Một lần, gặp Linh ở hành lang tòa soạn, tôi giữ anh lại và nói với anh một vài suy nghĩ về tình hình. Anh lẳng lặng nghe, mỉm cười buồn rầu, rồi lảng đi không đáp một câu. Lần khác, tôi lại nói, anh lại mỉm cười buồn rầu, nhưng lần này thì bảo tôi:
- Thôi, Thư ạ, có nghị quyết rồi, đừng nói gì nữa, chết đấy!
Ngay cả trong học tập Nghị Quyết 9. Linh cũng đã giữ mình, chỉ ngồi nghe, không phát biểu. Có anh em chê Linh nhát. Cuộc sống sau này đã chứng tỏ Hoàng Linh hiểu chuyên chính vô sản hơn chúng tôi. Mười mấy năm sau, ra tù đã khá lâu, tôi lại chơi thăm anh thì thấy anh vẫn thế: vẫn thân tình, vẫn mỉm cười buồn rầu, và vẫn lặng thinh. Tôi chịu Hoàng Linh về cái tài tự dồn nén.
Còn tôi thì phải dần dần mới hiểu được, hay nói cho đúng hơn là mới quen được với tình thế của kẻ thiểu số. Thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến, nghĩa là sống thì được để bụng, chết thì được mang theo xuống mồ. Không ai cấm, chỉ cấm không được nói ra thôi.
Rồi chúng tôi lần lượt ra đi, người về nhà trường, người đi làm tổng kết, người đi viết sử. Anh Đào Phan thì bị đưa về Bảo Tàng Quân Đội. Anh em nói đùa là Đào Phan bị bỏ vào bảo tàng. Nói theo nghĩa là cuộc đời của Đào Phan, với chiều dầy hoạt động cách mạng từ năm 1936, với những trách nhiệm quan trọng đảm đương từ hồi còn rất trẻ (bí thư ban cán sự Hà Nội, tương tự bí thư thành ủy bây giờ, khi anh mới ngoài 20 tuổi), với những năm nằm Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Việt Bắc, cả tù tây lẫn tù ta, tóm lại là cuộc đời lên voi xuống chó của anh cũng là một hiện vật đáng được đưa vào bảo tàng.
Rời bỏ cái nơi chúng tôi đã sống gần chục năm của cái tuổi bắt đầu chín, rời cái nơi đã đào tạo chúng tôi thành những người làm báo, rời cái tập thể đã biết sống với nhau tử tế, mỗi người một vẻ nhưng êm ru, tôi ra đi không chút luyến tiếc. Đối với tôi đó không còn là nơi đất lành chim đậu.
Nhưng đâu là nơi đất lành? Xung quanh tôi là một khoảng trống. Người thì nhìn tôi bằng con mắt ác cảm, người thì chẳng có ác cảm gì, hoặc có thiện cảm, nhưng không muốn dây với tôi, sợ bị vạ vịt, còn người thì khiêu khích, mở miệng ra là chửi Liên xô chan chát. Cơ quan mới của tôi có một ông cấp ủy, vốn xuất thân nông dân, có cái lối chửi chua ngoa của bà con nông dân: Khơrútsôp bán bí mật tên lửa cho Mỹ, Liên xô giúp ta ra-đa nhưng lại báo cho Mỹ biết tần số để nó tiêu diệt, dân Liên xô sống sướng thế thảo nào mà chẳng sợ chiến tranh v.v... Nghe mà buồn.
Trong khi đó ông Lê Duẩn sang Liên xô lại thống thiết tuyên bố: Đối với người cộng sản Việt nam thì Liên xô là tổ quốc thứ hai chẳng là vì hàng năm ông Lê Thanh Nghị lại đi một vòng các nước xã hội chủ nghĩa để xin viện trợ. Dân gian thì nói là ông Nghị vác rá đi ăn xin. Nhưng có vị lãnh đạo lại phổ biến rằng đồng chí Lê Thanh Nghị đi để bắt bọn xét lại phải trả nợ máu, làm như thể ta đánh thuê cho bọn xét lại vậy. Không phải chỉ xin những thứ thiết thực cần cho chiến đấu, mà xin cả thiết bị toàn bộ của hàng loạt nhà máy chưa biết đến bao giờ mới xây dựng. Tinh thần là lúc này ta đang đánh nhau, dễ xin thì cứ xin đại đi và cứ để đấy sau này hòa bình cần đến thì đã có sẵn, chứ chờ đến lúc ấy mới xin thì e rằng khó. Rốt cuộc là bao nhiêu thùng thiết bị quý giá, mang về không có chỗ chứa cứ vứt vạ vật dọc các đường giao thông, trên các bãi hoang, các góc rừng, dầm mưa dãi nắng, tang thương, vô chủ. Rồi người thì đến cạy để vặt linh kiện, kẻ thì chỉ để lấy các ốc vít ngoại lắp vào xe đạp, thậm chí chỉ để lấy mảnh gỗ thông về làm chuồng gà, còn lại ra sao thì mặc.
Bốn chữ CCCP được dân gian giải nghĩa là: Các chú cứ phá, Càng cho càng phá, Còn cho còn phá, rồi rốt cuộc biến thành Chẳng cho cũng phá. Và rủ nhau đi chè chén, người ta mời mọc nhau: Các bạn cứ ăn uống thoải mái, hết bao nhiêu tiền đã có Liên xô chịu. Vậy có gì là lạ nếu bây giờ tiền chùa, tức là tiền nhà nước, người ta cứ tiêu thoải mái, bỏ túi thoải mái, xe chùa đi thoải mái, của chùa chia chác nhau thoải mái, đất chùa lấn chiếm thoải mái. Trước kia có Liên xô, bây giờ thì có chùa gánh cho hết. Sướng thật!
Một anh trong bộ biên tập của chúng tôi phàn nàn là Văn Doãn đã phản thùng, đâm một nhát vào sau lưng chúng tôi. ý là: chúng tôi ở trong nước đang đấu tranh để bảo vệ chân lý, Doãn ở lại Liên xô là gây khó khăn cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh ấy. Tôi thì lại nghĩ khác. Tôi không rõ vì sao Doãn ở lại Liên xô, ở lại để làm gì và có làm gì được không. Còn tôi thì không nghĩ mình có thể làm được cái gì. Một việc đơn giản nhất là treo ấn từ quan, về nhà dạy học, vui thú điền viên, mà các cụ ta ngày xưa vẫn làm thì bây giờ một người cộng sản là tôi cũng không thể làm được. Các cụ còn có điền viên để mà vui thú, còn có thể dạy học được. Còn tôi thì đã được vô sản hóa đến mức chỉ cần cắt cái cuống nhau tiền lương nhà nước một tháng là đói. Và có trời biết đã đói thì sẽ như thế nào.
Cho nên tôi không có ảo tưởng đấu tranh gì, tự biết mình không giơ tay chống trời được. Và nếu tôi có bảo lưu quan điểm của mình thì chẳng qua cũng chỉ là vì trời sinh ra tôi là anh cả Cò ngốc ngếch, to đầu rồi mà vẫn dại, không biết mau lẹ đổi tiền cho hợp với thời trang, đã thế lại còn không biết nghĩ một đằng, nói một nẻo, bản lĩnh loại C, không có tài che đậy ruột gan của mình.
Thực ra thì về sau tôi cũng cố che đậy, nhưng đậy mãi thì thỉnh thoảng nó vẫn lòi ra, như cái nồi súp de quá tải áp suất thì tự động xì ra vậy . ở trên, tôi có nhắc đến ông cấp ủy xuất thân nông dân đã chửi Liên xô một cách chua ngoa. Ông ta có một cách suy nghĩ khá kỳ cục. Một hôm ông ta ngồi kéo thuốc lào sòng sọc, rung đùi đắc chí:
- Việt nam nhất thế giới! Việt nam đánh thắng Mỹ xong thì không còn thằng nào để mà đánh nữa hì! Mỹ là thằng mạnh nhất rồi.
Tôi chúa ghét cái kiểu ăn nói ấy, đáp luôn:
- Khó quái gì, đánh Liên xô, hoặc chấp cả hai thằng.
Sau này khi Trung quốc đánh ta, tôi không được gặp lại ông nhưng nghĩ rằng chắc ông hài lòng, ông đã có kỳ phùng địch thủ để mà đánh. La Văn Cầu ác chiến Đổng Tồn Thụy, chắc chắn phải ngoạn mục, dí bộc phá vào tận rốn nhau mà giật. Chỉ có điều hơi cấn cái: kỳ phùng địch thủ ấy lại là... bố ông ta.
- Báo chí, sách vở là chuyện giấy trắng mực đen, tôi giấu làm sao được, đề nghị các anh cứ đọc lại thì rõ.
Việc đó chắc là ông ta không đợi tôi nói, đã làm lâu rồi, cho nên ông ta không gặng thêm gì nữa, coi như chỉ hỏi chơi một câu để nắn gân thôi.
Quả thật tôi quá hiểu rằng muốn yên ổn thì không nên đùa với kỷ luật của Đảng. Nhưng đó mới là một mặt. Còn một mặt khác. Từ lâu tôi đã được học rằng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác Lênin là một tổ chức chiến đấu chứ không phải một câu lạc bộ tranh luận. Do đó phải có kỷ luật sắt: cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số v.v... Muốn chiến đấu thì đúng là phải như thế thật. Tôi đã chấp nhận điều đó như một tất yếu. Và đã nhận thức là tất yếu thì tốt hơn hết là nên tự giác mà thực hiện, dù đôi lúc có khó chịu đến mấy. Và cũng có thể tự an ủi rằng dẫu sao mình cũng là người tự do, vì đứng về mặt triết học, thì tự do là tất yếu được nhận thức.
Cho nên chúng tôi luôn luôn tự kiểm duyệt mình, còn nghiêm khắc bằng mấy bất cứ cơ quan kiểm duyệt nào. Chỉ cần cấp trên bảo tuyên truyền ngang bằng giữa Liên xô và Trung quốc thì khi đăng một bài về Liên xô, tự chúng tôi phải lo ngay đến kèm theo một bài về Trung quốc. Bài này dài 2000 chữ thì bài kia cũng suýt soát, hơn kém không đáng kể. Bài này đăng trang một thì bài kia trang nhất. Cùng ở đầu trang hay cuối trang, tốt nhất là song song như hai câu đối. Và đầu đề của hai bài phải cùng một co chữ, tốt nhất là cùng một kiểu. Thực ra tất cả những cái đó đều dễ vì có thể đo đếm được. Cái khó là viết nhiệt tình như nhau. Vì nhiệt tình là cái không cân đong được. Vả lại viết về Lôi Phong mà cũng nhiệt tình như viết về Gagarin thì quả thật là khó.
Cho nên sau khi cho tổng kiểm tra báo Quân Đội Nhân Dân, Tổng Cục cũng chỉ đưa ra được vài kết luận đại khái: nặng về mặt nọ, nhẹ về mặt kia v.v... Thực ra thì ý định của cấp trên là thanh lọc tòa soạn. Lý do đã có: tổng biên tập ở lại Liên xô, nhiều cán bộ bảo lưu quan điểm riêng trong học tập Nghị Quyết 9. Nhưng chỉ dựa vào lý do đó để thanh lọc thì không hay lắm, cần có những sai lầm cụ thể.
Trong những năm chúng tôi sống hài hòa với Đảng, tòa soạn chúng tôi là một tập thể trẻ trung, tràn đầy nghị lực và vui nhộn. Dưới sự thúc đẩy của Văn Doãn, chúng tôi đua nhau học, đua nhau động não để làm cho tờ báo mỗi ngày một mới, một hay hơn. Hăng cải tiến như vậy nên không tránh khỏi sơ suất. Và chính vì một vài sơ suất nhỏ trong trích dịch những chuyện lạ thế giới đăng trên báo chí nước ngoài mà bị ông Thanh gọi là báo Sicagô (Chicago). Nó là như thế chứ không phải là báo Quân Đội Nhân Dân đã đăng ảnh đùi vế hoặc hoa hậu. Có ảnh phụ nữ, nhưng phải là nữ du kích, tay cầm súng hẳn hoi, còn có nhắm bắn hay không thì không nhất thiết.
Từ sau Nghị Quyết 9, cái tòa soạn ấy đã trở thành một nhà có đám. Ngơ ngác và âm thầm, giữ mồm giữ miệng. Tệ hơn thế, chúng tôi đã bắt đầu đề phòng nhau. Chẳng biết ai thế nào. Từ đâu mà cái việc con trai Văn Doãn đến nhà tôi học đã tới tai Tổng Cục?
Lúc ấy Hoàng Linh là quyền tổng biên tập, thay Văn Doãn. Anh gần như trở thành một cái bóng thầm lặng. Một lần, gặp Linh ở hành lang tòa soạn, tôi giữ anh lại và nói với anh một vài suy nghĩ về tình hình. Anh lẳng lặng nghe, mỉm cười buồn rầu, rồi lảng đi không đáp một câu. Lần khác, tôi lại nói, anh lại mỉm cười buồn rầu, nhưng lần này thì bảo tôi:
- Thôi, Thư ạ, có nghị quyết rồi, đừng nói gì nữa, chết đấy!
Ngay cả trong học tập Nghị Quyết 9. Linh cũng đã giữ mình, chỉ ngồi nghe, không phát biểu. Có anh em chê Linh nhát. Cuộc sống sau này đã chứng tỏ Hoàng Linh hiểu chuyên chính vô sản hơn chúng tôi. Mười mấy năm sau, ra tù đã khá lâu, tôi lại chơi thăm anh thì thấy anh vẫn thế: vẫn thân tình, vẫn mỉm cười buồn rầu, và vẫn lặng thinh. Tôi chịu Hoàng Linh về cái tài tự dồn nén.
Còn tôi thì phải dần dần mới hiểu được, hay nói cho đúng hơn là mới quen được với tình thế của kẻ thiểu số. Thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến, nghĩa là sống thì được để bụng, chết thì được mang theo xuống mồ. Không ai cấm, chỉ cấm không được nói ra thôi.
Rồi chúng tôi lần lượt ra đi, người về nhà trường, người đi làm tổng kết, người đi viết sử. Anh Đào Phan thì bị đưa về Bảo Tàng Quân Đội. Anh em nói đùa là Đào Phan bị bỏ vào bảo tàng. Nói theo nghĩa là cuộc đời của Đào Phan, với chiều dầy hoạt động cách mạng từ năm 1936, với những trách nhiệm quan trọng đảm đương từ hồi còn rất trẻ (bí thư ban cán sự Hà Nội, tương tự bí thư thành ủy bây giờ, khi anh mới ngoài 20 tuổi), với những năm nằm Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Việt Bắc, cả tù tây lẫn tù ta, tóm lại là cuộc đời lên voi xuống chó của anh cũng là một hiện vật đáng được đưa vào bảo tàng.
Rời bỏ cái nơi chúng tôi đã sống gần chục năm của cái tuổi bắt đầu chín, rời cái nơi đã đào tạo chúng tôi thành những người làm báo, rời cái tập thể đã biết sống với nhau tử tế, mỗi người một vẻ nhưng êm ru, tôi ra đi không chút luyến tiếc. Đối với tôi đó không còn là nơi đất lành chim đậu.
Nhưng đâu là nơi đất lành? Xung quanh tôi là một khoảng trống. Người thì nhìn tôi bằng con mắt ác cảm, người thì chẳng có ác cảm gì, hoặc có thiện cảm, nhưng không muốn dây với tôi, sợ bị vạ vịt, còn người thì khiêu khích, mở miệng ra là chửi Liên xô chan chát. Cơ quan mới của tôi có một ông cấp ủy, vốn xuất thân nông dân, có cái lối chửi chua ngoa của bà con nông dân: Khơrútsôp bán bí mật tên lửa cho Mỹ, Liên xô giúp ta ra-đa nhưng lại báo cho Mỹ biết tần số để nó tiêu diệt, dân Liên xô sống sướng thế thảo nào mà chẳng sợ chiến tranh v.v... Nghe mà buồn.
Trong khi đó ông Lê Duẩn sang Liên xô lại thống thiết tuyên bố: Đối với người cộng sản Việt nam thì Liên xô là tổ quốc thứ hai chẳng là vì hàng năm ông Lê Thanh Nghị lại đi một vòng các nước xã hội chủ nghĩa để xin viện trợ. Dân gian thì nói là ông Nghị vác rá đi ăn xin. Nhưng có vị lãnh đạo lại phổ biến rằng đồng chí Lê Thanh Nghị đi để bắt bọn xét lại phải trả nợ máu, làm như thể ta đánh thuê cho bọn xét lại vậy. Không phải chỉ xin những thứ thiết thực cần cho chiến đấu, mà xin cả thiết bị toàn bộ của hàng loạt nhà máy chưa biết đến bao giờ mới xây dựng. Tinh thần là lúc này ta đang đánh nhau, dễ xin thì cứ xin đại đi và cứ để đấy sau này hòa bình cần đến thì đã có sẵn, chứ chờ đến lúc ấy mới xin thì e rằng khó. Rốt cuộc là bao nhiêu thùng thiết bị quý giá, mang về không có chỗ chứa cứ vứt vạ vật dọc các đường giao thông, trên các bãi hoang, các góc rừng, dầm mưa dãi nắng, tang thương, vô chủ. Rồi người thì đến cạy để vặt linh kiện, kẻ thì chỉ để lấy các ốc vít ngoại lắp vào xe đạp, thậm chí chỉ để lấy mảnh gỗ thông về làm chuồng gà, còn lại ra sao thì mặc.
Bốn chữ CCCP được dân gian giải nghĩa là: Các chú cứ phá, Càng cho càng phá, Còn cho còn phá, rồi rốt cuộc biến thành Chẳng cho cũng phá. Và rủ nhau đi chè chén, người ta mời mọc nhau: Các bạn cứ ăn uống thoải mái, hết bao nhiêu tiền đã có Liên xô chịu. Vậy có gì là lạ nếu bây giờ tiền chùa, tức là tiền nhà nước, người ta cứ tiêu thoải mái, bỏ túi thoải mái, xe chùa đi thoải mái, của chùa chia chác nhau thoải mái, đất chùa lấn chiếm thoải mái. Trước kia có Liên xô, bây giờ thì có chùa gánh cho hết. Sướng thật!
Một anh trong bộ biên tập của chúng tôi phàn nàn là Văn Doãn đã phản thùng, đâm một nhát vào sau lưng chúng tôi. ý là: chúng tôi ở trong nước đang đấu tranh để bảo vệ chân lý, Doãn ở lại Liên xô là gây khó khăn cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh ấy. Tôi thì lại nghĩ khác. Tôi không rõ vì sao Doãn ở lại Liên xô, ở lại để làm gì và có làm gì được không. Còn tôi thì không nghĩ mình có thể làm được cái gì. Một việc đơn giản nhất là treo ấn từ quan, về nhà dạy học, vui thú điền viên, mà các cụ ta ngày xưa vẫn làm thì bây giờ một người cộng sản là tôi cũng không thể làm được. Các cụ còn có điền viên để mà vui thú, còn có thể dạy học được. Còn tôi thì đã được vô sản hóa đến mức chỉ cần cắt cái cuống nhau tiền lương nhà nước một tháng là đói. Và có trời biết đã đói thì sẽ như thế nào.
Cho nên tôi không có ảo tưởng đấu tranh gì, tự biết mình không giơ tay chống trời được. Và nếu tôi có bảo lưu quan điểm của mình thì chẳng qua cũng chỉ là vì trời sinh ra tôi là anh cả Cò ngốc ngếch, to đầu rồi mà vẫn dại, không biết mau lẹ đổi tiền cho hợp với thời trang, đã thế lại còn không biết nghĩ một đằng, nói một nẻo, bản lĩnh loại C, không có tài che đậy ruột gan của mình.
Thực ra thì về sau tôi cũng cố che đậy, nhưng đậy mãi thì thỉnh thoảng nó vẫn lòi ra, như cái nồi súp de quá tải áp suất thì tự động xì ra vậy . ở trên, tôi có nhắc đến ông cấp ủy xuất thân nông dân đã chửi Liên xô một cách chua ngoa. Ông ta có một cách suy nghĩ khá kỳ cục. Một hôm ông ta ngồi kéo thuốc lào sòng sọc, rung đùi đắc chí:
- Việt nam nhất thế giới! Việt nam đánh thắng Mỹ xong thì không còn thằng nào để mà đánh nữa hì! Mỹ là thằng mạnh nhất rồi.
Tôi chúa ghét cái kiểu ăn nói ấy, đáp luôn:
- Khó quái gì, đánh Liên xô, hoặc chấp cả hai thằng.
Sau này khi Trung quốc đánh ta, tôi không được gặp lại ông nhưng nghĩ rằng chắc ông hài lòng, ông đã có kỳ phùng địch thủ để mà đánh. La Văn Cầu ác chiến Đổng Tồn Thụy, chắc chắn phải ngoạn mục, dí bộc phá vào tận rốn nhau mà giật. Chỉ có điều hơi cấn cái: kỳ phùng địch thủ ấy lại là... bố ông ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét