Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Hồi ký TRẦN THƯ

Phần 8
  1. Vài câu chuyện về sự tồn tại trước Nghị Quyết 9 của hai khuynh hướng ở trong Đảng cộng sản Việt nam.

    Năm 1963, Chủ Tịch Đảng cộng sản kiêm Chủ Tịch nước Tiệp Khắc sang thăm Việt nam, và đã ký với Chủ Tịch Hồ Chí Minh một bản tuyên bố chung. Bản tuyên bố chung Hồ Chí Minh Nôvôtny (Novotny) ấy hoàn toàn đứng trên lập trường của 81 đảng. Điều đó làm ông Lê Duẩn rất tức giận. Ông Ung Văn Khiêm bị cách chức bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Đó là trước mắt, còn sau này thì một số phận tồi tệ hơn sẽ được dành cho ông. Ông Lê Quang Đạo giải thích cho chúng tôi:

    - Bác tin đồng chí Ung Văn Khiêm nên Bác cứ ký, không xem lại. Thật kỳ lạ Hồ Chí Minh mà lại nhắm mắt ký bừa vào một văn kiện quan trọng như vậy, nhất là trong tình thế rất phức tạp của phe xã hội chủ nghĩa nói chung và của Việt nam nói riêng. Đó không có tí gì là cái tác phong Hồ Chí Minh vẫn được nêu lên cho toàn Đảng học tập. Ai cũng biết câu châm ngôn phân cấp: chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chí Minh.

    Vụ Caribê (Caribe) còn rắc rối hơn. Cả thế giới nín thở theo dõi sự diễn biến tình hình thay đổi từng giờ từng phút. Không khí một cuộc chiến tranh thế giới đã lơ lửng trên đầu nhân loại . ở Mỹ người ta đã đổ xô đi mua hầm tránh bom nguyên tử. Tình hình ở Mátxcơva cũng căng thẳng không kém. Chắc chắn là hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của cả hai phía đã chĩa sang nhau, sẵn sàng chờ một hiệu lệnh. Trong khi đó thì những người đứng đầu hai nước Mỹ và Liên xô liên tục trao đổi với nhau trực tiếp qua điện thoại, tìm kiếm một cách khó khăn một phương án thỏa hiệp mà hai bên đều có thể chấp nhận.

    Nhưng Trung quốc thì lại muốn đẩy Liên xô vào cuộc đối đầu quyết liệt với Mỹ. Có thể là họ nghĩ:

    Mỹ là con hổ giấy, chỉ già dái non hột, ta cứ làm tới thì nó phải nhượng bộ? Hoặc họ muốn thế giới đại loạn, vì theo quan niệm của họ thì thế giới đại loạn là môi trường thuận lợi cho cách mạng thế giới nổ ra? Hoặc họ muốn tọa sơn quan hổ đấu, ngồi trên núi mà xem hai con hổ đánh nhau? Không rõ.

    Đứng trước hai lập trường đối lập nhau như vậy, các nhà lãnh đạo Việt nam khá bối rối, mỗi người nói một phách, mỗi ngày nói một phách. Có một vị đã nói, tôi không nhớ là ai: Liên xô đưa tên lửa vào Cuba là phiêu lưu, rút tên lửa ra là đầu hàng. Tôi không hiểu nổi cái lôgích ấy. Vậy, nếu trót phiêu lưu rồi thì phải phiêu lưu đến cùng chăng? Còn chúng tôi thì muốn viết theo cách hiểu của mình. Nhưng phải có cái gì bảo đảm an toàn cho mình về sau, vì chúng tôi biết rằng cuối cùng lập trường chống Liên xô sẽ thắng. May mắn sao có hai bài báo nhận định hòa bình thế giới đang treo trên sợi tóc và tán thành chủ trương của Liên xô hòa giải với Mỹ.

    Bài thứ nhất đăng trên báo Nhân Dân, ký tên T. L. Ai cũng biết T. L là chữ viết tắt của Trần Lực, và Trần Lực không phải ai khác mà chính là Hồ Chí Minh. Sau này tôi lại được nghe anh Lê Liêm lúc bấy giờ là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, kể lại rằng cuộc tranh luận trong cơ quan lãnh đạo Đảng rất găng và ông Hồ có phát biểu: cần thì đưa tên lửa vào, cần thì lại rút ra, có gì là lạ?

    Bài thứ hai là bài xã luận của báo Học Tập, tạp chí lý luận của Ban Chấp Hành Trung ương. Về sau này tôi mới biết bài ấy là do anh Kỳ Vân, phó tổng biên tập báo Học Tập viết. Anh Kỳ Vân về sau cũng bị bắt trong cùng vụ chúng tôi. Vào tù mấy năm thì anh bị ốm nặng, đến lúc nguy kịch thì được thả ra cho về chết ở gia đình, đỡ tai tiếng. Gọi là chết ở gia đình, nhưng gia đình anh đã tan đàn xẻ nghé. Vợ anh, một cô giáo đi sơ tán cùng học trò, đã chết đuối trong một lần đi tắm sông, ngay trước mắt anh, trông thấy mà chịu. Một đứa con gái của anh đã hy sinh trên Trường Sơn, trong đội ngũ những người thanh niên xung phong chống Mỹ đầu tiên. Nay anh chết nốt để lại thằng con nhỏ cho chị nó nuôi. Rồi ít lâu sau cô chị cũng lâm bệnh chết, và thằng bé được họ hàng cưu mang. Cháu bé ấy tên là Phạm Kỳ Tân. Năm 1981, tôi được đọc một lá thư của cháu Tân lúc này đã 19 tuổi, gửi lên các bác lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, thống thiết xin các bác trả lời cho cháu biết bố cháu có tội tình gì? Các bác đã không trả lời.

    Anh Kỳ Vân là một đảng viên kỳ cựu từ thời Mặt Trận Bình Dân năm 1936, xứ ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ, và đã được thực dân Pháp tặng cho hai án tù, vào tù, vượt ngục, rồi lại vào tù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét