Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Dắt tay nhau 2

Đã có một thời, và thời đó còn tiếp đến ngày nay, chúng ta muốn giương ngọn cờ giai cấp làm tấm hộ chiếu quá cảnh , vượt qua mọi biên giới dân tộc để thống nhất toàn thế giới. Nhưng thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ rằng ý muốn ấy chỉ là chủ quan (nên chăng giương ngọn cờ dân tộc để khắc phục dần mâu thuẫn giai cấp !) . Có một quy luật đã được chiêm nghiệm là nếu thống nhất với nhau chủ yếu bằng tiếng gọi của ' lợi quyền ' thì trước sau gì cũng lại chia ly chính do lợi quyền. Chỉ có một thứ thực sự là của chung của nhân loại, không thể chiếm hữu, không thể độc quyền, một thứ mà ngày nay cứ xuất hiện ở đâu là được quốc tế hóa ngay, đó là trí tuệ, là khoa học, là sự phát hiện những quy luật khách quan. Cái tài sản chung quý báu này luôn được đổi mới, bổ sung. Còn nói về ' chủ nghĩa ' thì đủ sức ôm cả cái loài người bất diệt có lẽ chỉ có và chỉ cần một chủ nghĩa, cái chủ nghĩa chẳng có gì mới nhưng bất diệt mà ta rất nên ' tôn thờ ' , là CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO ! Mọi ' chủ nghĩa ' khác chẳng qua chỉ là những hệ phương pháp ứng xử để ta sử dụng linh hoạt trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà thôi !

Có hành động đúng theo quy luật thì mọi việc mới ' xuôi ' được. Hiện tượng ' xã hội lộn ngược ' với những nghịch lý đã nói trên chỉ có thể giải thích rằng ngay từ những điểm xuất phát chúng ta đã nghĩ và làm không đúng với những quy luật khách quan nên càng về sau càng chịu sự chóng trả quyết liệt của quy luật. Muốn " làm chủ" như chúng ta thường nói , trước hết phải ' làm chủ ' được các quy luật. Muốn vậy, con người trước hết phải có sự học hành đầy đủ để tiếp thu những tri thức đã có của nhân loại, phải được suy nghĩ hoàn toàn tự do, và đặc biệt phải biết lấy thực tiễn để kiểm chứng mọi điều đã nghĩ, kể cả những điều mà một thời những tưởng đã ' đóng đanh ' vào lịch sử. Chính Mác đã khuyên mọi người " Hãy hoài nghi tất cả !". Thật là nhân cách một nhà khoa học lớn ! Chính Mác đã nêu tấm gương về sự tự hoài nghi, tự ' xét lại ' mình thì đương nhiên Mác không thể chấp nhận danh hiệu Mácxít cho những ai muốn biến Mác thành một thần tượng bất khả xâm phạm, để quy tội "xét lại" cho tất cả những ai không chịu răm rắp nghe theo mình ! Một khi chính Mác đã không chấp nhận để mọi người coi mình là thần tượng thì còn "học trò" nào của Mác được phép chấp nhận điều đó ? Từ khi Mác mất đến nay hơn một thế kỷ, con người lớn lên như vũ bão, khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi hẳn bộ mặt loài người, kỹ thuật tin học ngày càng gắn cả loài người thành một chỉnh thể. Nếu chúng ta không nhìn nhận xã hội và lịch sử tinh tường hơn thời kỳ của Mác thì sao xứng đáng là những lớp con cháu của Mác ? Việc nhìn nhận lại một số điểm trong học thuyết của Mác không làm giảm đi sự tôn kính của ta đối với Mác, trái lại ta có thể tự hào đã có Mác là một người khổng lồ nhân từ cho ta được đứng lên vai.

Nhưng "hoài nghi" mới là điều kiện "cần", chưa phải điều kiện "đủ" ! Hoài nghi có thể dẫn đúng hơn , cũng có thể dẫn đến sai hơn. Nếu lấy cớ ' hoài nghi ' Mác để "bổ sung", để "nâng cao", thậm chí để ... "cứu học thuyết Mác khỏi rơi vào sự tầm thường" (Lênin) , mà đưa thêm vào những quan điểm thiếu khoa học, thiếu thực tế, đầy ý chí chủ quan của mình thì lại càng tai hại hơn.

Vấn đề đặt ra quá lớn, tầm suy nghĩ của một người lại quá nhỏ, khuôn khổ một bài viết lại càng nhỏ hơn, thiếu sót là điều không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ sẽ không phải là vô ích nếu chúng ta chân thành, nếu chúng ta nói thật. Nhiều người nói thật sẽ dần đến sự thật. Điều quan trọng là tìm được cái gốc của những sai lầm. Tuy từ đó đến chỗ xác định được cách đi đúng đắn cũng không dễ dàng ( và việc này không phải là nội dung đề cập của bài viết này), nhưng khi cái gốc của sai lầm đã được phơi bày thì cái hướng đúng cũng tự nhiên đã ló ra rồi.

Alexandr Bovin, nhà phân tích chính trị của tờ Izvestia (Liên xô), sau khi nói rõ quan điểm "kiên quyết chối bỏ loại xã hội chủ nghĩa quan liêu, thiếu thốn triền miên, xuống cấp những giá trị đạo đức, thay tự do bằng sự trấn áp dốt nát ..." đã nêu ý kiến về cách sửa chữa là : " Tất cả các đoạn trên con dấu toán học cần phải đổi ngược lại !". (Tuần tin THANH NIÊN 8-8-1988).
Và nếu như trên trang giấy đã đổi ngược các dấu toán học thì trtên đường đi lẽ nào không phải quay ngược các tấm biển chỉ đường ?
Nhân loại, như lịch sử đã từng chứng minh, rốt cuộc vẫn dắt tay nhau, đi chung trên một con đường, con đường tiến hóa, thênh thang,dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ !
Ngày 2 tháng 9 năm1988
Tú Xuân HÀ SĨ PHU
Địa chỉ : PTS Nguyễn Xuân Tụ
4E Bùi thị Xuân, Đà lạt.

Nơi gửi :
- Bạn bè, những người hiểu biết, quan tâm và có trách nhiệm để xin ý kiến trao đổi
- Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ

Lời chú thích:
" DẮT TAY NHAU " TRONG MỘT CUỘC TRANH LUẬN KỲ LẠ
Sau khi báo Nhân dân (ngày 25&26/7/1990), báo Quân đội nhân dân (ngày 9 & 10/7/1990) và báo Tuổi trẻ (ngày 30/6 & 5/7/1990) đăng bài của các tác giả Thuận Thành và Lưu văn Kiền phê phán bài " Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ " (một bài chưa được đăng ở đâu cả), nhiều dồng chí cán bộ và sĩ quan quân đội biết, đã yêu cầu tôi cho mượn bài viết ấy để tham khảo, đối chiếu. Vì chưa có báo nào đăng nên tôi đành sao bài này ra một số bản để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và đối thoại (như tác giả Thuận Thành đã đề xuất) của một số bạn bè đồng thời là độc giả của các báo nói trên. Nếu tính đến giữa năm 1991 thì tổng số các bài và các tài liệu phê phán bài " Dắt tay nhau..." đã vượt quá con số ba mươi !.

Có lẽ chưa có cuộc tranh luận nào kỳ lạ như cuộc ' tranh luận ' quanh bài " Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ " của tôi (mặc dù trong đó nghĩ mười mới viết được một ). Suốt nột năm rưỡi trời các giáo sư triết học, các nhà chính trị, tuyên huấn ... của Viện Triết, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ban Văn hóa tư tưởng trung ương, báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân ... đã viết liền mấy chục bài và sách, tập trung phê phán một bài tiểu luận mà bài này chỉ được chuyền tay chứ không được phép in ở đâu cả. Mấy chục võ sĩ ra sân khấu, đấu rất sôi nổi với một ' địch thủ ' chỉ được phép ở bên trong hậu trường. Trong cuốn "Nêu cao tính chiến đấu, chống mọi hoạt động phá hoại về tư tưởng " , ban Văn hóa tư tưởng trung ương đã dành hầu hết các trang để chỉ trích những nội dung được trích một cách rời rạc từ bài "Dắt tay nhau ...". Thậm chí trong cuốn "Giới thiệu Dự thảo Cương lĩnh của Đại hội VII ", ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng cũng đề cập tới bài đó như một ví dụ cụ thể duy nhất làm đối trọng ! Có tác giả đã gọi tôi là " kẻ phát ngôn trong bóng tối" , " cao ngạo hơn cả Duhring", có tác giả dọa sẽ có biện pháp đối xử với tôi một cách "đúng mực" , "theo như yêu cầu đòi hỏi của quy luật đấu tranh giai cấp" (!). Và thực tế thì bài "Dắt tay nhau ..." đã không phải không gây phiền phức cho tôi và nhà văn Dương Thu Hương trong những ngày được ' tiếp kiến ' Bộ Nội vụ !
Đấy là mặt không vui.Nhưng câu chuyện lại có mặt vui của nó. Bài ấy tôi viết hai năm trước khi có những sự cố ở Đông Âu và Liên xô, thực tiễn thế giới sau đó đã chứng thực cho dự đoán của tôi, các "tấm biển chỉ đường" lớn nhỏ đã được quay ngược lại hết. Việc Đại hội VII lấy "Trí tuệ" làm khẩu hiệu hàng đầu (mặc dù ngay trước đó nhiều nhà lý luận vẫn còn khẳng định rằng chủ nghĩa Mác Lêchính là Trí tuệ tối cao của nhân loại rồi, nói Trí tuệ nữa là thừa !) và không nói đến "Chuyên chính Vô sản" nữa thì điều ấy thực sự đã phù hợp với nội dung chính trong bài viết của tôi. Tôi lấy làm vui lắm, và tin rằng những nội dung khác của bài viết cũng sẽ chuyển rất nhanh từ trạng thái gây dị ứng, phải chống đến cùng, sang trạng thái mặc nhiên tự tại - "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" !
Là người làm công tác khoa học, dốt về chính trị, tôi chỉ nói những điều về nhận thức khoa học, những vấn đề có tính nguyên lý. Trong khoa học tự nhiên, Mác ' duy vật ' và ' biện chứng ' bao nhiêu thì khi vận dụng vào xã hội Mác lại ' duy tâm ' và ' siêu hình ' bấy nhiêu. Ai có thể phủ định chủ nghĩa Mác nếu không phải là phần này của tư tưởng Mác đã tự xung đột với phần kia của tư tưởng Mác ! Nhà duy vật biện chứng trứ danh trong khoa học ấy lại đồng thời là đại biểu cuối cùng và đặc sắc nhất của trào lưu " xã hội chủ nghĩa không tưởng" mà ông đã kịch liệt phê phán và kế thừa.
Nhân loại đã phải trả giá cho sự ' không tưởng ' của mình và hôm nay đã vượt được qua nó , đó là một điều vĩ đại. Nhưng, vượt lên trên những máu và nước mắt, cuối cùng thì -nói theo cách hóm hỉnh của Mác- nhân loại vẫn muốn "từ giã quá khứ của mình một cách vui vẻ". Chỉ có điều là trong màn hài kịch lớn này, lịch sử sẽ chọn ai làm tên lính hề cuối cùng rút lui khỏi sân khấu ? ..
Tháng 2 năm 1993
Hà Sĩ Phu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét