Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Đối thoại giữa tổng bí thư Đỗ Mười và ông Nguyễn Trung Thành về vụ án xét lại

Ngày 3-2-1995, ông Nguyễn Trung Thành, nguyên vụ trưởng Vụ bảo vệ đảng (thuộc Ban tổ chức Trung ương Đảng CSVN) đã gửi thư cho lãnh đạo ĐCS, Viện kiểm sát và Tòa án tối cao, yêu cầu giải oan cho 32 cán bộ nạn nhân của “vụ án xét lại - chống đảng”. Sau một tháng tuyệt vô âm tín, không ai trả lời, lá thư này đã dược gửi cho gia quyến các nạn nhân, và từ đó các bản sao chụp được phổ biến rộng rãi trong nước gây xôn xao trong hàng ngũ cán bộ và trong dư luận.

Ông Đào Duy Tùng, bí thư thường trực, đã ra lệnh thu hồi bức thư của ông Nguyễn Trung Thành, nhưng một lần nữa, loại chỉ thị nội bộ này đã mang lại kết quả trái nghịch. Chiều ngày 22-3-1995, tổng bí thư Đỗ Mười và ông Đào Duy Tùng đã tiếp ông Nguyễn Trung Thành tại trụ sở Trung ương ĐCS ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội.


Đỗ Mười: Năm nay anh bao nhiêu tuổi?

Nguyễn Trung Thành: Tôi 72.

Đỗ Mười: Với cái tuổi này anh cần nghĩ ngơi, làm thơ hoặc trồng cây có lẽ tốt hơn là ngồi viết thư như thế này.

Nguyễn Trung Thành: Anh 78 tuổi mà còn làm việc hết mình vì dân vì Đảng, không lẽ tôi 72 mà đã cho mình là hết trách nhiệm với dân với Đảng?

Đỗ Mười: Nhưng tại sao lá thư này anh lại gửi công khai mà không gặp riêng tôi và các đồng chí trong Bộ chính trị, trong Ban bí thư, làm kiểu này hỏi rằng Liên Hiệp Quốc nó biết nó vu là ta vi phạm nhân quyền thì tác hại sẽ ra sao?

Nguyễn Trung Thành: Một câu hỏi được đặt ra ở đây: tại sao Tổng bí thư không nghĩ đến sự chịu đựng nỗi oan ức của hàng trăm con người trong vụ án, đeo đẳng họ trên 30 năm, có người đã chết vì kìm kẹp, vì bị tra tấn, có người còn sống thì gia đình tan nát, rạn nứt sứt mẻ, vợ chồng ly tán, cuộc sống của họ gặp khó khăn trăm bề vì không có lương, không có chế độ ưu đãi gì cả. Hai là, ta có sai ta quyết tâm sửa giải oan cho đồng chí của mình thì dứt khoát không sợ bất cứ một tổ chức nào vu cáo ta là vi phạm nhân quyền được.

Đào Duy Tùng: Chúng ta ở gần nhau, số điện thoại của tôi anh có, tại sao anh không cho chúng tôi biết trước mà anh lại đưa ra trước dư luận quần chúng rộng rãi như thế này?

Nguyễn Trung Thành: Trong vụ án chính trị này, tôi không thống kê hết là đã có bao nhiêu người gửi thư cho Bộ chính trị, cho Ban bí thư, cho các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, có người viết hàng trăm lá thư, nhưng tất cả không nhận được một sự hồi âm, họ đã chờ đợi trên 20 năm nay mà không hề nhận một tín hiệu gì về việc có giải oan cho họ hay không. Riêng tôi hồi tháng 12/93 đã có thư gửi Ban chấp hành và Ban bí thư cùng các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng trình bày ý kiến của tôi, người đã trực tiếp được phân công điều tra xét hỏi về vụ án này, tôi đã khẳng định Ban chỉ đạo vụ án trước đây đã phạm sai lầm như thế nào, dẫn đến việc quyết định của Bộ chính trị và của Ban bí thư cũng sai luôn, nhưng hơn một năm tôi không hề nhận được một sự hồi âm nào, dù là một lá thư nhỏ, một cú điện thoại là đã nhận được, đang xem xét...

Đỗ Mười: Vụ này trước đây có hai cuộc hội nghị của Trung ương đã nhất trí đánh giá vụ án chính trị này là có. Tại sao anh lại nói khác với nghị quyết của tập thể Bộ chính trị? Đó là một việc làm vô nguyên tắc.

Nguyễn Trung Thành: Như trên tôi đã nói, sai lầm chính là của Ban chỉ đạo vụ án đã kéo Bộ chính trị và Ban bí thư phạm sai lầm luôn. Thực chất những bản báo cáo để Bộ chính trị và Ban bí thư xem xét phần lớn là do tôi dự thảo qua tài liệu của Ban chỉ đạo vụ án. Đến nay được sự chỉ đạo của trên, cụ thể của đồng chí Hương, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ giao cho tôi xem xét lại vụ án này. Tôi đã làm việc này theo sự thôi thúc của lương tâm và bản chất của người cộng sản chân chính, vì lương tâm, vì tinh thần trách nhiệm của một người đảng viên trước dân, trước Đảng.

Đỗ Mười: Nói như thế có nghĩa là tôi không có lương tâm hay sao, lương tâm của tôi kém anh hay sao? Tôi cũng bị tù cùng những anh em đó, tôi hiểu họ chứ. Cái chính là Bộ chính trị đang bận quá nhiều việc, chưa có thì giờ cứu xét đến vấn đề này, nhất là Đảng ta đang chuẩn bị cho Đại hội 8 có biết bao công việc cần làm trước.

Nguyễn Trung Thành: Các anh bận, Bộ chính trị bận, vậy thì tại sao tôi đến gặp các đồng chí trong Ủy ban kiểm tra Trung ương thì các đồng chí đó lại trả lời tôi là Ủy ban không xem xét vụ án chính trị này. Vậy thì lập ra cái ủy ban này để làm gì? Tôi cho rằng vấn đề này không đơn thuần là vấn đề đặt ra giữa Bộ chính trị và với Nguyễn Trung Thành mà là vấn đề đặt ra giữa Bộ chính trị với nhân dân, với chính sách đoàn kết hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù. Nếu các anh cho rằng tôi gửi lá thư này là một sai lầm thì tôi sẵn sàng đi tù.

Đào Duy Tùng: Cái chính là đáng lẽ anh nên trao đổi với chúng tôi trước thì hay hơn. Tiện đây tôi cũng xin nói rõ về ý kiến của anh cho rằng tôi đã ra lệnh thu hồi lá thư của anh khi đến tay các đồng chí trong Bộ chính trị và Ban bí thư thì không đúng đâu. Khi nhận được lá thư này tôi có đến báo cáo với đồng chí Tổng bí thư thì anh Đỗ Mười đã cho ý kiến là cần thu hồi.

Nguyễn Trung Thành: Hôm nay tôi đến đây với các anh, tôi có mang theo một lá thư thứ hai đề ngày 20 tháng 3 năm 1995 và một bản báo cáo thêm về vụ án này, tôi xin gửi hai anh, xem xong đề nghị các anh cho tôi biết ý kiến.


Ngày 26-9-1995, Thành ủy Hà Nội ra thông báo khai trừ ông Nguyễn Trung Thành ra khỏi Đảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét